Phát triển các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại sẽ đáp ứng yêu cầu về các sản phẩm có chất lượng cao hơn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ảnh: Phúc Nguyên
Đó là thông tin tại hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2030” do UBND TP.Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 28/5/2019, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân Hà Nội khá lớn, trung bình mỗi năm khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng, 54.000 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau các loại... Hiện nay, các loại nông sản thực phẩm tại Hà Nội được phân phối, tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối nông sản (kiểu cũ), chợ dân sinh. Số còn lại được phân phối qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích…
Trên địa bàn Hà Nội đang có 2 chợ đầu mối nông sản hạng 1: Chợ đầu mối nông sản Minh Khai và Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam. Bên cạnh đó còn có hệ thống các chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất đầu mối như: Chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ đêm nông sản Văn Quán, chợ nông sản Bắc Thăng Long. Các chợ đầu mối vẫn đóng vai trò quan trọng trong kênh phân phối các mặt hàng nông sản thực phẩm của thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội có 124 siêu thị, trong đó có 94/98 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm; tỷ trọng đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng rau, củ quả, thịt cá…
Có thể thấy, hệ thống chợ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Các dịch vụ logistic và dịch vụ hỗ trợ mua bán yếu kém… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ đầu mối.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, với thực trạng hệ thống phân phối nông sản thực phẩm như hiện nay và việc quy hoạch mạng lưới chợ đầu mối nông sản trên địa bàn thành phố thì việc phát triển các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại là phù hợp với yêu cầu cấp bách nhằm kiểm soát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về các sản phẩm có chất lượng cao hơn, nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và khả năng cung ứng nông sản với số lượng lớn phục vụ hoạt động xuất khẩu.
Do vậy, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến 2030, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng 8 chợ đầu mối. Trong đó, chợ đầu mối nông sản Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam đang hoạt động, 6 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng còn lại có diện tích từ 20ha đến 30ha mỗi chợ sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng để từng bước phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng, việc xây dựng chợ đầu mối hay trung tâm cung ứng nông sản cần quan tâm tới vị trí, đây là yếu tố quan trọng nhất. Thứ hai là xác định quy mô xây dựng. Đồng thời, cần xác định rõ loại chợ và dịch vụ. Thêm vào đó cần tính toán công tác quản lý và điều hành cũng như mô hình quản trị chợ đầu mối.
Về vấn đề xây dung trung tâm cung ứng nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết thêm, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ chủ trương xây dựng đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến 2030” và đã được đồng ý tại Công văn số 1190 ngày 1/2/2018. Hiện, Bộ NN&PTNT đã thống nhất nghiên cứu, xây dựng đề án với sự trợ giúp của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Dự kiến đề án sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III hoặc quý IV năm 2019.
Mục tiêu của đề án là xây dựng định hướng và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống trung tâm cung ứng hàng nông sản Việt Nam hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị… Đây là cơ sở để Hà Nội vận dụng trong việc phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại./.
Phúc Nguyên