Xây dựng và hoàn thành nâng cấp cơ sở dữ liệu

Theo ông Bùi Tiến Sỹ - Trưởng phòng Thống kê, Cục Tin học và Thống kê tài chính (TH&TKTC), hiện nay, triển khai Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia cần ưu tiên triển khai, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án “Xây dựng CSDL quốc gia về tài chính”.

Theo đề án, các dự án CSDL chuyên ngành được xây dựng theo hướng đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng; đảm bảo tính liên kết, tích hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính. Các dự án CSDL chuyên ngành áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời được xây dựng trên nền tảng dữ liệu mở nhằm thực hiện công khai thông tin, dữ liệu về tài chính, ngân sách cho người dân và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ truy vấn dữ liệu theo yêu cầu người sử dụng; thúc đẩy việc giám sát của người dân trong quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của Chính phủ.

Thông tin về tiến độ triển khai các dự án CSDL chuyên ngành, ông Bùi Tiến Sỹ cho biết, Hệ thống CSDL danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính đã được Cục TH&TKTC chủ trì, xây dựng và hoàn thành nâng cấp CSDL danh mục dùng chung 6.0. Hệ thống nâng cấp đã được đưa vào vận hành chính thức, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu danh mục giữa các hệ thống công nghệ thông tin thuộc Bộ đảm bảo về tích hợp, chia sẻ dữ liệu về danh mục (Maters data) trong ngành Tài chính và giữa ngành Tài chính với các bộ, ngành, địa phương.

Đơn cử, Tổng cục Thuế đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng kho dữ liệu ngành Thuế để hỗ trợ công tác nghiệp vụ, công tác quản lý thuế, công tác chỉ đạo/điều hành và ra quyết định. Đến nay, hệ thống đã phân quyền cho hơn cho 2.500 người sử dụng tại 63 cục thuế và Tổng cục Thuế để tham gia hệ thống. Tổng cục Thuế đang có kế hoạch nâng cấp bổ sung trên kho dữ liệu 124 báo cáo động và tĩnh để đáp ứng yêu cầu về cơ chế chính sách.

Các thông tin, dữ liệu về thuế đều được truyền về Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Tổng cục Thuế.  Ảnh: Đức Minh
Các thông tin, dữ liệu về thuế đều được truyền về Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Tổng cục Thuế. Ảnh: Đức Minh

Kho bạc Nhà nước cũng đã xây dựng CSDL chuyên ngành quản lý kho bạc theo dự án: “Nâng cấp và triển khai kho dữ liệu và công cụ thống kê, phân tích nghiệp vụ - kho dữ liệu” và triển khai cho người sử dụng. Hiện nay, Kho bạc Nhà nước đang xây dựng kế hoạch nâng cấp và mở rộng hệ thống kho dữ liệu để bổ sung thêm nguồn dữ liệu chi đầu tư, bổ sung một số chức năng đáp ứng yêu cầu quản lý và tăng cường năng lực lưu trữ (dự kiến hoàn thành nâng cấp trong năm 2023).

Đối với Tổng cục Hải quan, đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng dự án xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ ra quyết định nghiệp vụ hải quan từ tháng 10/2017. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang thực hiện kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện hải quan số nhằm nâng cấp, hiện đại hóa ngành Hải quan, bao gồm nội dung xây dựng CSDL lưu trữ tập trung, thống nhất và xử lý thông minh, phục vụ mục tiêu yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan; chuẩn hóa dữ liệu toàn bộ hệ thống để có khả năng kết nối với các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.

Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hoàn thành dự án xây dựng CSDL chuyên ngành quản lý chứng khoán (Dự án Xây dựng hệ thống trao đổi và tích hợp các CSDL của UBCKNN - Trục tích hợp SOA); Hệ thống thực hiện chức năng trao đổi và tích hợp các CSDL của UBCKNN. Trục tích hợp SOA đã tích hợp các CSDL hiện có của UBCKNN để cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống CNTT nhanh chóng, chính xác, kịp thời, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của UBCKNN trong công tác quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành

Đến nay nhiều dự án cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã hoàn thành xây dựng và đưa vào triển khai. Trong đó, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã hoàn thành xây dựng kho dữ liệu ngân sách nhà nước và đưa vào vận hành sử dụng với phạm vi kết nối, chia sẻ và cấp quyền khai thác sử dụng trong cả nước. Kho ngân sách nhà nước đang được quản trị, vận hành, hỗ trợ người sử dụng để đảm bảo khả năng tổng hợp được đầy đủ các yêu cầu thông tin, dữ liệu về ngân sách, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của đơn vị và của Bộ Tài chính...

Từ đầu năm 2022, Cục Tài chính doanh nghiệp đã thực hiện xây dựng CSDL chuyên ngành quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo dự án: “Hệ thống giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp triển khai tập trung tại Bộ Tài chính” để quản lý hoạt động của doanh nghiệp đang nắm giữ vốn nhà nước, kiểm soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tổng hợp được số liệu trên các báo cáo từ nhiều đơn vị, phục vụ công tác điều hành, hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo trong việc ra quyết định, đồng thời tạo lập CSDL chuyên ngành quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Vận hành ổn định, nâng cao hiệu quả quản lý

Theo đánh giá của Cục TH&TKTC, các CSDL chuyên ngành được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn vừa qua đã phát huy hiệu quả nhất định, như: Tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý tài chính của Bộ Tài chính, Chính phủ thông qua việc hỗ trợ kịp thời trong cung cấp các số liệu về tài chính, ngân sách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, phục vụ cho quản lý điều hành của các lãnh đạo Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan tài chính địa phương. Bên cạnh đó, đảm bảo tính chính xác, kịp thời của công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia thông qua việc sử dụng một nguồn thông tin, dữ liệu trung thực tin cậy về dữ liệu tài chính công.

Các CSDL chuyên ngành hỗ trợ nâng cao năng lực phân tích chính sách trên cơ sở dữ liệu với khả năng phân tích, sử dụng các công cụ báo cáo động thông minh (BI) là công nghệ mới được khai thác một cách hiệu quả; cũng như hỗ trợ người dùng nâng cao năng lực phân tích, hoạch định chính sách tại các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Tài chính.

Người sử dụng các CSDL chuyên ngành khai thác và sử dụng thống nhất theo đúng các quy trình xử lý nghiệp vụ cải thiện cách thức quản lý dịch vụ dữ liệu (Data services) nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị.

Việc triển khai và đưa vào sử dụng CSDL chuyên ngành cũng đã góp phần xây dựng, triển khai và hình thành chiến lược phát triển dữ liệu của ngành Tài chính với trọng tâm hướng tới là công tác quản trị dữ liệu (Data Governance).

Đề án cập nhật các nội dung phù hợp trong giai đoạn mới

Theo Cục Tin học và Thống kê tài chính, các nội dung về mục tiêu, phạm vi, nội dung của các CSDL chuyên ngành cần phải cập nhật cho phù hợp với các chủ trương nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển trong giai đoạn mới được ban hành theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, đề án cũng cần rà soát cập nhật các nội dung mới như: Cập nhật các mục tiêu về chiến lược, lộ trình, chính sách phát triển dữ liệu ngành Tài chính trong trung hạn và dài hạn. Xác định các giải pháp phân tích dữ liệu KPIs, chỉ tiêu kinh tế vĩ mô dựa trên hệ thống CSDL của ngành Tài chính để giúp Bộ Tài chính trong việc ban hành chính sách, chỉ đạo, điều hành ra quyết định một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Đề án đề xuất các giải pháp triển khai các mô hình về phân tích, dự báo và cảnh báo phục vụ xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính dựa trên dữ liệu lớn của ngành Tài chính...