Ban soạn thảo họp lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định. Ảnh: Vân Hà

Nguồn tài sản không nhỏ

Theo báo cáo của 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kết quả xử lý TS được xác lập sở hữu nhà nước từ năm 2010 đến năm 2012 có tổng giá trị trên 2.315 tỷ đồng. Trong đó, giá trị TS tịch thu do vi phạm hành chính chiếm trên 80% (gần 2.000 tỷ đồng); giá trị TS tịch thu theo quyết định của tòa án trên 146 tỷ đồng (chiếm khoảng 7%); tài sản bị chôn giấu, chìm đắm được tìm thấy khoảng trên 1 tỷ đồng (1%); TS do cá nhân, tổ chức cho, biếu, tặng chiếm khoảng trên 248 tỷ đồng (10%).

Số tiền thu được từ việc bán TS đã nộp vào NSNN trên 1.301 tỷ đồng. Các hình thức xử lý TS khác như chuyển giao các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng: gần 173 tỷ đồng; tiêu hủy: trên 73 tỷ đồng; TS chờ xử lý: 974 triệu đồng.

Ở khối trung ương, theo báo cáo của 35 bộ, ngành, chỉ có 9 bộ, ngành có phát sinh việc xử lý TS loại này trong 3 năm 2010- 2012, gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an.

Tổng giá trị TS đã được xác lập gần 104 tỷ đồng. Trong đó giá trị TS tịch thu do vi phạm hành chính gần 73 tỷ đồng (chiếm trên 60%); giá trị TS tịch thu theo quyết định của tòa án trên 1 tỷ đồng (1%); TS chôn giấu, chìm đắm được tìm thấy là 210 triệu đồng (0,2%); cá nhân, tổ chức biếu, tặng gần 40 tỷ đồng (38%).

Số tiền nộp vào NSNN từ việc bán TS trên là 62 tỷ đồng; chuyển giao các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng gần 16 tỷ đồng.

Nhiều bất cập khi xử lý

Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, việc quản lý, xử lý loại TS này còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:

Cơ chế xử lý đối với một số loại TS còn có sự khác nhau; Thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với một số loại TS chưa chặt chẽ; Đầu mối quản lý phân tán; việc bảo quản TS chưa phù hợp làm giảm giá trị...

Một số quy định còn tồn tại bất cập như quy định về việc bán đấu giá đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ do vi phạm hành chính; quy định về xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với TS là quà tặng.

Một số loại TS có tính chất đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (ví dụ: quà tặng là vũ khí, khí tài…) chưa có cơ chế xử lý phù hợp.

Tại cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện NĐ vừa được tổ chức vào chiều ngày 12/8/2013 vừa qua, tất cả các ý kiến tham gia xây dựng đều thừa nhận đây là một NĐ khó, vì liên quan đến 4 NĐ quy định về các loại hình tài sản xác lập sở hữu nhà nước riêng biệt và nhiều bộ luật đang hiện hành.

Tuy nhiên, các NĐ và các luật này đều chưa giải quyết được triệt để các tồn tại kể trên.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho rằng, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Bộ Tài chính sẽ hết sức cố gắng để NĐ mới được ban hành sớm nhất có thể. Đồng thời, khi có hiệu lực NĐ mới này có thể sửa chữa được hết các khiếm khuyết của 4 NĐ hiện hành./.

4 Nghị định liên quan đến quản lý, xử lý tài sản xác lập quyền sở hữu nhà nước:

- NĐ số 14 năm 1998 về quản lý tài sản nhà nước (TSNN).

- NĐ 137 năm 2006 quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với TSNN tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước.

- NĐ số 96 năm 2009 về việc xử lý TS bị chôn giấu, chìm đắm.

- NĐ số 81/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành lậu xử lý vi phạm hành chính.

Hạnh Thảo