Xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp

Nhìn lại hoạt động thương mại trong năm 2022, ông Trần Quốc Khánh đánh giá, vượt qua khó khăn của tình hình kinh tế thế giới với việc thực thi hiệu quả các giải pháp, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục và duy trì được mức tăng trưởng cao. Dự kiến cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 732,5 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021.

Năm 2022, xuất khẩu sang thị trường các nước mới có quan hệ thương mại tự do theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,6%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Xuất khẩu hàng Việt năm 2023: Cơ hội và thách thức đan xen
Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tăng nhanh, tạo thêm nhiều việc làm mới.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư 11,2 tỷ USD, góp phần tích cực vào cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Lý giải thành công nêu trên, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, kết quả tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA. Bên cạnh đó còn có sự đóng góp tích cực từ việc đơn giản thủ tục hành chính, thuế, hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho việc thông quan nhanh hàng hóa, nỗ lực khơi thông dòng chảy thương mại với thị trường Trung Quốc...

Năm 2023, tiêu điểm là hoạt động phòng vệ thương mại

Đề cập đến hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023, lãnh đạo Bộ Công thương và các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023 có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Để duy trì và gia tăng tốc độ xuất khẩu hàng Việt Nam là vô cùng thách thức. Xuất khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 50 tỷ USD năm 2007 và đạt gần 371,5 tỷ USD vào năm 2022 (tăng gần 25 lần).

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, do năng lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh, nên hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tính đến hết tháng 11/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 225 vụ việc. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, gạch men... cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.

Xuất khẩu sang các thị trường mới tăng đến 30%

Năm 2022, xuất khẩu sang thị trường các nước có quan hệ thương mại tự do theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới.

Cùng với hoạt động ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã xử lý 5 vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trong đó, 3 vụ việc đã kết thúc và mang lại kết quả tích cực cho Việt Nam bao gồm: khởi kiện biện pháp chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ; khởi kiện biện pháp tự vệ với sản phẩm tôn lạnh của Indonesia. Về cơ bản, các kết luận của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Công thương cũng đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại. Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Theo Bộ Công thương, năm 2023, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế lớn của thời đại. Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ việc thực thi các cam kết hội nhập với mức độ mở cửa ngày càng cao. Để khai thác tốt cơ hội này, các bộ, ngành tiếp tục chủ động hoàn thiện hệ thống về phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

* Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương):

Chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường

Xuất khẩu hàng Việt năm 2023: Cơ hội và thách thức đan xen
Ông Vũ Bá Phú

Năm 2023, Bộ Công thương tiếp tục duy trì giao ban xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan hàng tháng nhằm cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.

Bộ cũng đôn đốc tham tán thương mại chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.

* Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Tận dụng FTA - mở rộng “cánh cửa” cho ngành dệt may

Xuất khẩu hàng Việt năm 2023: Cơ hội và thách thức đan xen
Ông Vũ Đức Giang

Bước sang năm 2023, thị trường còn nhiều biến động và khó khăn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may đề ra trong năm 2023, từ 45 đến 48 tỷ USD, chúng tôi tiếp tục chủ động tận dụng hiệp định thương mại tự do (FTA) mở rộng “cánh cửa” cho ngành dệt may...; trong đó, duy trì thị phần tại thị trường lớn như Hoa Kỳ, tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Với Hiệp định EVFTA, 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công thương đối với dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ thuế sau 7 năm. Đây được coi là cơ hội vàng cho ngành may mặc Việt Nam khi vào thị trường 27 nước thành viên EU.