Tăng chất, chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc

Vấn đề chất lượng hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu tại các thị trường, nhất là thị trường khó tính luôn được cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp (DN) trong nước quan tâm, hướng đến. Theo bà Bùi Hoàng Yến - Phó tổ trưởng Tổ Công tác miền Nam, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), có khá nhiều điều cần làm để thực hiện hiệu quả mục tiêu này.

Bà Bùi Hoàng Yến chia sẻ thông tin, giải pháp xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản vào các thị trường cao cấp. Ảnh Đỗ Doãn
Bà Bùi Hoàng Yến chia sẻ thông tin, giải pháp xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản vào các thị trường cao cấp. Ảnh Đỗ Doãn

Việc tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), truy xuất nguồn gốc là điều đầu tiên cần phải làm. DN phải xác định quy mô sản xuất theo từng ngành hàng; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo chuỗi giá trị; đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị; công nghệ sản xuất; quy trình sản xuất; phương thức quản trị; chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó là tăng cường các mối liên kết giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - tiêu thụ; giữa DN cung ứng nguyên phụ liệu với DN sản xuất sản phẩm cuối; giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà DN; giữa DN trong nước với DN FDI.

Tận dụng phương thức hợp tác đầu tư

Nhằm áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn VSATTP, tiêu chuẩn môi trường, DN có thể tận dụng sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước theo phương thức “Investment Partnership” (hợp tác đầu tư), nghĩa là đối tác đầu tư tiền vào Việt Nam, thuê người dân Việt Nam sản xuất theo tiêu chuẩn của họ. Như vậy, có thể không quan tâm đến tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap, mà sản xuất theo tiêu chuẩn “Made in Lotte” (sản xuất theo tiêu chuẩn của chuỗi siêu thị Lotte Hàn Quốc) hoặc “Made in Aeon” (sản xuất theo tiêu chuẩn của chuỗi siêu thị Aeon Nhật Bản).

Bà Bùi Hoàng Yến khẳng định, DN xuất khẩu là mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo hàng hóa xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường sở tại. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường năng lực kiểm tra kiểm nghiệm để có thể phát hiện sớm những DN không đáp ứng được các yêu cầu về VSATTP, xây dựng các chế tài phù hợp để ngăn chặn những DN này tham gia vào hoạt động xuất khẩu những mặt hàng có nguy cơ vi phạm cao.

Bên cạnh công tác quản lý chất lượng các DN, cũng cần chú trọng đến công tác quản lý chất lượng của các hộ gia đình và DN nuôi trồng vì đây chính là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các DN chế biến xuất khẩu.

Thực tế các vụ việc vướng mắc liên quan đến vấn đề vệ sinh kiểm dịch của hàng nông sản xuất khẩu cho thấy, trong nhiều trường hợp, mặc dù quy trình sản xuất của các DN chế biến xuất khẩu tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn liên quan nhưng hàng hóa vẫn không đạt các tiêu chí về vệ sinh kiểm dịch do ngay từ đầu vào, nguyên liệu đã có dư lượng hóa chất vượt quá mức cho phép.

‘‘Vì vậy, cần phải kiểm soát theo chuỗi cung ứng ngay từ khâu cung cấp đầu vào cho sản xuất cho đến xuất khẩu mới là giải pháp bền vững’’ – bà Bùi Hoàng Yến nói.

Tìm hiểu kỹ đặc tính riêng của từng thị trường

Về các thị trường cao cấp, theo chia sẻ của bà Bùi Hoàng Yến, đối với thị trường Hàn Quốc, các DN cần chú ý kỹ đến các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, sự phù hợp với sở thích tiêu thụ của người tiêu dùng Hàn Quốc như tính tiện lợi trong sử dụng sản phẩm, chú trọng đầu tư cho bao gói, truyền tải thông tin rõ ràng, chi tiết và hấp dẫn về sản phẩm...

Một nhà máy chế biến thịt thăn cá basa xuất khẩu Hoa Kỳ. Ảnh Việt Dũng
Một nhà máy chế biến thịt thăn cá basa xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Việt Dũng

Đối với thị trường EU, DN cần chú trọng gắn liền với tiêu chuẩn về chất lượng, VSATTP theo tiêu chuẩn rất khắt khe. Bên cạnh đó, người nông dân và DN phải đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm.

Đối với thị trường Nhật Bản, các DN Việt Nam cần biết rằng, khi nhập khẩu nông sản, Nhật Bản không chỉ xem kết quả xét nghiệm tồn dư về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hoặc dư lượng kháng sinh mà còn muốn biết việc trồng trọt, nuôi trồng theo kỹ thuật nào, bón những loại phân gì, xử lý sâu bệnh ra sao…

‘‘DN lần đầu tạo quan hệ hợp tác với đối tác Nhật Bản cần phải kiên trì, đáp ứng được những yêu cầu ban đầu của họ như trả lời bộ câu hỏi hàng nghìn câu bằng tiếng Anh, hoặc gửi mẫu cho đối tác kiểm tra có thể đến 10 - 20 lần để họ đánh giá. Giai đoạn này có thể rất mất thời gian (2 - 3 năm chỉ để trả lời các câu hỏi) nhưng khi đã hợp tác được với họ rồi thì mọi việc sẽ đơn giản hẳn’’ – bà Bùi Hoàng Yến khuyến nghị.

Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, DN Việt Nam cần thông qua kênh phân phối sẵn có của các DN có kênh phân phối tại thị trường này. Việc tiếp cận, đàm phán, giới thiệu sản phẩm và đáp ứng được các tiêu chuẩn về ATTP, tem nhãn, điều kiện lao động, tiền lương, an toàn cháy nổ… ban đầu rất khó khăn; nhưng một khi đã đáp ứng được những tiêu chuẩn này, DN Việt Nam có thể mở rộng và phát triển ổn định hoạt động sản xuất.

‘‘Thêm nữa, việc đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế đó cũng giúp DN có thể nhanh chóng tiếp cận được các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Canada, EU...’’ – bà Bùi Hoàng Yến nhấn mạnh.

Tăng cường hỗ trợ từ chính sách

Theo Cục Xúc tiến Thương mại, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tăng cường đối với các DN sản xuất hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu gồm: Hỗ trợ tiếp cận được đất đai, nhất là các dự án đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm, cụm liên hoàn sản xuất - sơ chế - bảo quản - chế biến công nghiệp để giảm tổn thất sau thu hoạch; đồng thời có chính sách hỗ trợ DN nhập khẩu công nghệ sản xuất hiện đại như thuế nhập khẩu nhà kính, cập nhật các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất - kinh doanh nông sản (máy chiếu xạ, máy xử lý hơi nước nóng) trong danh sách máy móc được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu…