![]() |
Giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh tư liệu |
Rau quả và gạo giữ vững vị thế
Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 54 - 55 tỷ USD. Tuy nhiên, kết thúc tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 11 tháng năm 2024 đã đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023 Như vậy, xuất khẩu NLTS đã vượt mục tiêu đề ra trong năm 2024.
3 NHÓM HÀNG CÓ CÁN CÂN THƯƠNG MẠI THẶNG DƯ Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 11 tháng năm 2024 ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước thặng dư 13,05 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,88 tỷ USD, tăng 17,5% và nhóm nông sản thặng dư 4,72 tỷ USD, tăng 3,1 lần. |
Về thị trường, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS sang thị trường Hoa Kỳ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11%, và Nhật Bản tăng 5,5%.
Đáng chú ý, cán cân thương mại NLTS Việt Nam 11 tháng đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị thặng dư thương mại của ngành tăng mạnh chủ yếu nhờ vào thặng dư thương mại của gỗ và sản phẩm gỗ lên tới 12,11 tỷ USD. Việc đẩy mạnh ký kết các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giúp ngành hàng rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD sau 11 tháng.
Xét theo mặt hàng cụ thể, ước tính 11 tháng năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng NLTS có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, cà phê, gạo, tôm, cá tra và hạt tiêu.
Trong nhóm nông sản tỷ USD, rau quả vẫn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam; hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Cũng theo Bộ Ảnh tư liệu Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 11/2024, sầu riêng Tây Nguyên vào cuối vụ thuận, trong khi sầu riêng các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ vào vụ nghịch. Hiện tại, sầu riêng đã chuyển sang thu hoạch vụ nghịch tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là thời điểm cả thế giới gần như chỉ Việt Nam còn sầu riêng thu hoạch, trong khi vụ chính của Thái Lan rơi vào các tháng giữa năm. Do đó, từ tháng 10 năm nay kéo dài cho đến tháng 2 năm sau, Việt Nam gần như độc quyền xuất khẩu loại trái cây này vào thị trường Trung Quốc.
Tương tự mặt hàng rau quả, mặt hàng gạo tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Giá trị xuất khẩu gạo trong 11 tháng của năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình ước đạt 627,9 USD/ tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu nông sản năm 2024 dự kiến vượt 60 tỷ USD
Đánh giá kết quả xuất khẩu NLTS trong 11 tháng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tính đến hết tháng 11/2024, xuất khẩu NLTS đã đạt mức 56,74 tỷ USD, nếu trong tháng 12 chúng ta thu khoảng 5 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản thì kim ngạch xuất khẩu NLTS trong năm 2024 sẽ vượt 61 tỷ USD.
Theo ông Phùng Đức Tiến, đóng góp vào kết quả xuất khẩu NLTS trong 11 tháng là do công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường năm nay đạt được nhiều thành tựu
Bên cạnh đó, Chính phủ, Trung ương đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết lại sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, toàn ngành Nông nghiệp đã tỏa đi các địa phương đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất, ưu tiên các nhóm cây ngắn ngày, các loại thủy cầm, gia cầm; khuyến khích các địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão lũ tăng tốc sản xuất.
Mặc dù có được những con số tăng trưởng
ấn tượng nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như thách thức từ tình hình kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh.
Để duy trì được nhịp độ tăng trưởng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành, nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với thị trường. "Chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, xanh" - ông Phùng Đức Tiến nói.
Bộ NN&PTNT tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung vào các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, trong đó, tập trung phát triển mạnh các lĩnh vực còn tiềm năng như chăn nuôi, chế biến sâu.
Ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, ngành Nông nghiệp xác định sẽ đẩy mạnh xúc tiến đưa sản phẩm nông sản vào thị trường Halal. Hiện, một số doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi như Deheus, Hùng Nhơn đang rà soát lại khâu chế biến, an toàn thực phẩm, vùng nguyên liệu để trong tương lai không xa nữa thịt gà chế biến của Việt Nam sẽ tiến vào thị trường Halal.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, các đơn vị trực thuộc thuộc Bộ NN&PTNT, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc, duy trì phát triển thị trường; tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn./.