Xuất khẩu tổ yến sào kỳ vọng thu về hàng trăm triệu USD
Xuất khẩu tổ yến sào kỳ vọng thu về hàng trăm triệu USD. Ảnh: TL

Cơ hội cho ngành hàng triệu đô ngày càng rộng mở

Sau đàm phán của Chính phủ, trong tháng 11/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm tổ yến và khoai lang của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang thị trường Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã được ký kết. Tổ yến là sản phẩm nông sản thứ 13 của Việt Nam XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với khoảng 300 tấn, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Việt Nam có điều kiện, tiềm năng yến rất lớn, thuận lợi nuôi chim yến và sản phẩm tổ yến. Chất lượng sản phẩm tổ yến Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực, nhờ vậy, sản phẩm tổ yến Việt Nam rất được khách Trung Quốc ưa chuộng. Đó là cơ hội cho ngành yến Việt Nam, nâng cao giá trị và thương hiệu.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), 5 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển mạnh trên 42 tỉnh, thành phố cả nước; trong đó, tập trung nhiều nhất tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổ yến của Việt Nam đạt khoảng trên 70 tấn, đã xuất sang Mỹ, Australia, New Zealand, Trung Quốc… với giá trung bình 1.500 - 2.000 USD/kg thành phẩm, thu về 100 - 125 triệu USD/năm.

Hiện nay, cả nước có trên 22.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Dự báo, trong thời gian tới sản lượng có thể kỳ vọng 170 tấn/năm vào năm 2030 bởi một số tỉnh đang trên đà phát triển theo vùng quy hoạch nuôi chim yến như Tây Ninh, Long An và những tỉnh giáp biên giới với Campuchia… rất có hiệu quả trong tương lai vì còn nhiều vùng thức ăn nguyên sinh.

Sản lượng yến của Việt Nam ước tính khoảng 200 tấn/năm. Về lâu dài, các địa phương cần có chiến lược, kế hoạch phát triển ngành yến Việt Nam có trách nhiệm bền vững, bảo đảm giữ vững thương hiệu tổ yến Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, cũng như các thị trường tiềm năng khác.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Cục phó Cục Chăn nuôi cho hay, khảo sát nhu cầu của một doanh nghiệp (DN) ở Phúc Kiến (Trung Quốc) cho thấy, hiện sản lượng yến của Việt Nam có thể XK chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của họ. Vì vậy, khi nghị định thư XK chính ngạch yến sang Trung Quốc được ký kết, thì cơ hội cho ngành hàng triệu đô này ngày càng rộng mở.

Ở góc độ DN, ông Trần Phương Tuấn - Giám đốc Công ty Tổ Yến Việt Nam - VinBirdnest phấn khởi chia sẻ: “Việc ký nghị định thư giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở ra cơ hội rất lớn cho nghề nuôi yến ở Việt Nam, tăng thêm mặt hàng XK của Việt Nam với thị trường đông dân nhất thế giới này”.

Ở góc độ hiệp hội, ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đánh giá, yến Việt Nam có nhiều tiềm năng so với các nước khác, tốc độ tăng trưởng nhà nuôi yến cũng tăng khá nhanh. Việc ký nghị định thư XK chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho nghề nuôi yến được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn, phát triển bền vững hơn.

Xuất khẩu tổ yến sào kỳ vọng thu về hàng trăm triệu USD
Yến Việt Nam có nhiều tiềm năng so với các nước khác. Ảnh: TL

Doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu nào?

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để sớm XK được sang Trung Quốc, các cơ quan quản lý nhà nước, DN cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục, tổ chức thực hiện quy định nêu trong nghị định thư.

Bà Trần Thị Thu Phương - Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Thú y cho biết, tổ yến được phép XK là sản phẩm đã được làm sạch (yến sào tinh), tổ yến thô vẫn tiếp tục quá trình đàm phán và hằng năm phía Trung Quốc sẽ cấp hạn ngạch số lượng được phép nhập khẩu từ các nước và phân cho các nhà nhập khẩu, các DN Việt Nam cần lưu ý.

Về nguyên tắc chung, các DN phải khai báo các nhà yến cung cấp nguyên liệu, nhà yến cần có mã số định danh, có chương trình giám sát dịch bệnh và thực hiện đăng ký XK sang Trung Quốc theo quy định.

Theo bà Phương, quá trình đàm phán, phía Trung Quốc đánh giá Việt Nam có chất lượng tổ yến cao, nhưng sản lượng hạn chế nên cần phải kiểm soát chặt về nguồn gốc, tránh bị trà trộn. Ngay trên bao bì sản phẩm, phía Trung Quốc yêu cầu ghi rõ về tên và số đăng ký nhà nuôi yến; tên và địa chỉ, số đăng ký của DN chế biến; điều kiện bảo quản, ngày sản xuất cùng nhiều thông tin liên quan khác.

Bà Phương cũng khuyến cáo các DN có nhu cầu XK tổ yến sang Trung Quốc cần tập hợp danh sách các nhà yến thuộc chuỗi để thực hiện giám sát dịch bệnh, ghi chép nhật ký chăn nuôi, thu hoạch… để có dữ liệu cung cấp cho phía Trung Quốc theo yêu cầu.

Về phía hiệp hội, ông Lê Thành Đại - Chủ tịch Hiệp hội yến sào Việt Nam nhấn mạnh, việc hai nước ký Nghị thư về XK tổ yến là cơ hội để khẳng định vị trí cũng như giá trị của tổ yến Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt điều đó, ông Đại cho rằng, các cá nhân, đơn vị, DN trong ngành yến cần phải đầu tư về khoa học công nghệ, cũng như quy trình sản xuất khai thác và chế biến hiện đại hơn, khoa học hơn mới đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc yêu cầu tất cả các nhà yến đều phải có mã số định danh để truy xuất nguồn gốc, trong khi đó, thực trạng 10 năm qua, 80% nhà yến chủ yếu phát triển theo nhu cầu tự phát, không có một quy định nào về thủ tục pháp lý. Vì vậy, ông Đại kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành sớm công nhận các cơ sở nhà yến hiện hữu đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với công năng của nhà yến để có cơ sở pháp lý triển khai chương trình này.

"Khi tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp ngành có cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Dù vậy, các doanh nghiệp, nhà nuôi chim yến phải tuân thủ quy định thị trường nhập khẩu về kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Quá trình đàm phán trong 4 năm đã có nhiều doanh nghiệp, trang trại đã thực hiện mô hình nuôi chim yến và chế biến theo tiêu chuẩn của Trung Quốc nên sẽ sớm có lô hàng chính thức được xuất khẩu" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.