PV: Thưa ông, để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, Ủy ban châu Âu đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị cho ngành thủy sản Việt Nam. Đến nay, việc thực hiện các khuyến nghị đạt kết quả như thế nào?

Ý thức của ngư dân là cốt lõi để gỡ “thẻ vàng” cho thuỷ sản
Ông Nguyễn Quang Hùng

Ông Nguyễn Quang Hùng: Sau gần 5 năm nỗ lực triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) (từ tháng 10/2017 đến nay), ngành thủy sản đã đạt một số kết quả tích cực. Trong đó, điểm nổi bật lớn nhất là chuyển đổi, ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong công tác quản lý nghề cá, đặc biệt, việc theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển dựa trên các phần mềm và các cơ sở dữ liệu điện tử đã mang lại hiệu quả tích cực.

Đáng chú ý, chúng ta đã thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC với nhiều chuyển biến tích cực. Thứ nhất, đối với nhóm khuyến nghị về khung pháp lý được Việt Nam thực hiện rất tốt, phù hợp với các quy định của khu vực và quốc tế về quản lý nghề cá. Theo đó, đến nay nước ta đã có Luật Thủy sản năm 2017, cùng 2 nghị định và 8 thông tư hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá. Việc lắp đặt thiết bị Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) để theo dõi, kiểm soát tàu cá và giám sát sản lượng khai thác lên bến đã được tổ chức, triển khai tốt tại các địa phương ven biển. Chúng ta đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để quản lý đội tàu. Hệ thống VMS đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan.

Thứ ba, công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc từng bước sẽ chuyển dần sang ứng dụng phần mềm trực tuyến và kiểm soát tương đối tốt, hồ sơ ít sai sót và hiện nay rất ít các lô hàng bị Liên minh Châu Âu (EU) trả lại. Hơn nữa, Việt Nam kiểm soát nguồn gốc hải sản không chỉ ở trong nước, mà còn kiểm soát nguồn gốc hải sản nước ngoài được nhập khẩu qua các cảng biển, sau đó chế biến và xuất khẩu trở lại các thị trường.

Công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Ảnh: Nam Khánh
Công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Ảnh: Nam Khánh

Thứ tư, việc thực thi pháp luật cũng được các địa phương tập trung tuyên truyền cho ngư dân, trường hợp ngư dân vi phạm, tái phạm hay cố tình vi phạm thì các địa phương đã xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đơn cử, Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khai thác thủy sản có đã nâng các mức xử phạt cao gấp 6-10 lần so với Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản trước đây.

PV: Thưa ông, việc EC áp “thẻ vàng” có tác động gì đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Mỗi năm, ngành thủy sản xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường châu Âu (EU) đạt từ 300 - 500 triệu USD, riêng sản phẩm hải sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm khoảng 10-15% so với xuất khẩu hải sản sang các nước khác. Như vậy, đối với thị trường EU thì cơ bản trong giai đoạn gỡ thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng bình thường, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022, do nhu cầu nhập khẩu của thị trường tăng, nên kim ngạch xuất khẩu còn tăng khoảng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các khuyến nghị của EC, sản phẩm xuất khẩu hải sản khai thác có ảnh hưởng đó là khi các lô hàng Việt Nam chuyển sang, phía nước bạn kiểm soát rất kỹ hồ sơ. Điều này sẽ kéo dài thời gian lưu kho, lưu bãi và các thủ tục hành chính, gây tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc bị cảnh báo “thẻ vàng”, cũng như việc khắc phục “thẻ vàng” chậm, chưa hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.

Xử phạt vi phạm hành chính hơn 13,8 tỷ đồng

Theo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các lực lượng thực thi pháp luật đã tăng cường xử lý các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp. Từ quý IV/2021 đến nay đã tham mưu cho địa phương xử lý 597 vụ/763 phương tiện/663 đối tượng/13.852.210.000 đồng. Các hành vi vi phạm như: Vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; không bảo đảm thủ tục giấy tờ; không duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình…

PV: Trước tình hình đó, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp gì để “gỡ thẻ vàng”, cũng như giành lại ưu thế xuất khẩu trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Hùng: Tháng 10/2022 dự kiến đoàn thanh tra của EC sẽ sang kiểm tra việc thực thi khuyến nghị về việc “gỡ thẻ vàng” thực tế tại Việt Nam.

Chúng tôi dự kiến với những tồn tại đến thời điểm hiện nay, thì phía bạn sẽ đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục làm tốt hơn. Ví dụ, công tác theo dõi, giám sát tàu cá, quản lý đội tàu trong bờ, cũng như quá trình khai thác trên biển, giám sát sản lượng lên bến và công tác tổ chức quản lý tại cảng cá để làm sao đảm bảo quản lý được và chống khai thác bất hợp pháp.

Đối với việc thực thi pháp luật, hiện vẫn còn tồn tại số vụ xử phạt so với số vụ vi phạm, chưa đáp ứng yêu cầu tại các địa phương. Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân chấp hành các quy định của pháp luật, chứ không phải vấn đề tăng mức xử phạt. Các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ hành vi khai thác không khai báo, không theo quy định là bất hợp pháp, nếu còn vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và giúp ngư dân giảm dần lỗi vi phạm. Từ đó, ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp...

PV: Xin cảm ơn ông!

Đa dạng hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân

Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản đã xây dựng Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” và đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Mục tiêu chung của Đề án là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC...

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2022 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông trong nước và quốc tế. Công tác này được thực hiện đa dạng về nội dung và hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, hình ảnh về phòng, chống khai thác IUU và nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam nhằm ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung khung pháp lý, chính sách phát triển nghề cá, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, định mức kỹ thuật về quản lý tàu cá và cảng cá. Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, phấn đấu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC...

Giai đoạn 2023 - 2025, 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên trước khi xuất cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định. Duy trì, không để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.