Lao động làm muối, nuôi trồng, chế biến, đánh bắt thuỷ sản...

Lao động làm muối, nuôi trồng, chế biến, đánh bắt thuỷ sản... sẽ sớm nhận được tiền đền bù thiệt hại để trang trải cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Theo thông tin từ 4 địa phương bị thiệt hại, đến chiều 10/10/2016, các địa phương đã nhận được khoản ứng trước tiền đền bù với tổng số tiền là 3.000 tỷ đồng.

Chi trả công khai, đúng đối tượng

Ngay sau khi công ty Formosa nhận trách nhiệm và hứa cam kết bồi thường thiệt hại về sự cố môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ đã ngay lập tức giao cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại, như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững... Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1880 về mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh.

Để các địa phương tiến hành triển khai việc chi trả kinh phí bồi thường trực tiếp đến người dân bị thiệt hại kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Theo ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, công văn hướng dẫn đã phản ánh đầy đủ, chi tiết đối với các nội dung về kiểm tra, rà soát, thẩm định, phê duyệt đối tượng và kinh phí bồi thường thiệt hại; quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng khoản tiền Formosa đền bù… Việc nhận và sử dụng tiền đền bù thiệt hại của Formosa được Bộ Tài chính và các địa phương lập tài khoản có mục đích riêng để chi trả đền bù đảm bảo công khai, minh bạch.

Công văn hướng dẫn nêu rõ, riêng đối với 3 đối tượng gồm: Khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản bị chết) và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu, chủ nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.

UBND các tỉnh hướng dẫn các chủ tàu, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối thống kê danh sách những lao động làm thuê của mình và mức bồi thường đối với mỗi lao động cho phù hợp, đảm bảo đồng thuận, có xác nhận của từng người lao động. Trên cơ sở đó thực hiện cấp 100% số tiền bồi thường thiệt hại cho chủ tàu, chủ nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ để cấp cho người lao động theo danh sách đã thống kê.

Tại công văn hướng dẫn, Bộ Tài chính cũng yêu cầu UBND các cấp tổ chức triển khai việc chi trả kinh phí bồi thường đảm bảo việc chi trả trực tiếp đến người dân bị thiệt hại kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực. UBND cấp xã có trách nhiệm công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các đối tượng được bồi thường, công khai thiệt hại và kinh phí bồi thường cho từng đối tượng ngay sau khi UBND cấp xã nhận được quyết định phê duyệt của UBND cấp huyện. Thời gian công khai kết quả chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho các đối tượng ít nhất là 30 ngày.

Xúc tiến ngay các thủ tục chi trả đền bù

Ghi nhận của phóng viên trong trao đổi nhanh với lãnh đạo Sở Tài chính các tỉnh, đến chiều ngày 10/10/2016, cả 4 tỉnh đã nhận được tiền đền bù của công ty Formosa do Bộ Tài chính ứng trước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Thuynh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình đã nhận được số tiền đền bù ứng trước là 1.100 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã triển khai mở tài khoản hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện chi trả theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính. “Ngay sau khi nhận được tiền, sáng 11/11, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị với các địa bàn từ thôn, xã, huyện trong tỉnh hướng dẫn việc thực hiện chi trả theo quy định đúng đối tượng, đúng định mức theo tỷ lệ tiền đền bù đợt này khoảng 40%”, ông Thuynh nói.

Về phía tỉnh Quảng Trị, theo ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị, cũng trong chiều 10/10, Bộ Tài chính đã chuyển vào tài khoản KBNN tỉnh với số tiền 500 tỷ đồng. Sở Tài chính tỉnh đã chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện ven biển mở tài khoản tiền gửi tại KBNN các huyện. Đồng thời, Sở cũng đã thông tin cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh số tiền đền bù đã vào tài khoản tiền gửi của ngân sách tỉnh và đề nghị Sở này tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí về các huyện và thực hiện chi trả cho các đối tượng được đền bù trên cơ sở định mức của Thủ tướng Chính phủ quy định.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nhận được tiền đền bù là 1.000 tỷ đồng và tỉnh Thừa Thiên - Huế là 400 tỷ đồng. Hai tỉnh hiện đang khẩn trương thực hiện các thủ tục tài chính, triển khai đền bù kịp thời cho các đối tượng bị thiệt hại.

Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng do sự cố môi trường biển Formosa gây ra tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016. Theo đó, 7 nhóm đối tượng thiệt hại được bồi thường bao gồm: Khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.

H.TR