Tiếp tục phiên họp thứ 15, chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

8 tháng, kiến nghị xử lý hơn 22.000 tỷ đồng

Báo cáo về công tác năm 2022, Phó Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, mặc dù trong những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song toàn ngành KTNN đã chủ động, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn
Đến 31/8/2022, đã xét duyệt 200 KHKT, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán 140 cuộc, xét duyệt 202 dự thảo BCKT; phát hành 162 BCKT; hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng, như: “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”; “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”; “Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021”.

Kết quả kiểm toán cho thấy, có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý doanh thu, chi phí; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế, hiệu quả chưa cao…

Sơ bộ kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2022 của 162 báo cáo kiểm toán (BCKT) đã phát hành và 6 BCKT chuyển từ kế hoạch kiểm toán (KHKT) 2021 sang, KTNN kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.

Ngoài ra, KTNN đã có báo cáo Quốc hội, UBTVQH ý kiến về chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia; đang chuẩn bị báo cáo ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 trình Quốc hội.

Đặc biệt, để từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp, KTNN đã tổ chức thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Việc kiểm toán đã phần nào tiết kiệm thời gian, chi phí kiểm toán; giảm thiểu tác động của yếu tố bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh; góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán...

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam còn chậm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khiêm tốn, thiếu tính hệ thống và đồng bộ. Hoạt động kiểm toán trên môi trường số còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần từng bước triển khai phù hợp.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Chuyển 8 vụ việc sang cơ quan điều tra

Trong 8 tháng đầu năm 2022, KTNN cũng đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 724 báo cáo kiểm toán, các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương trình công tác.

Tại cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, KTNN đã kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán được các đơn vị quan tâm thực hiện. Tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2022, các đơn vị đã thực hiện 37.924,2 tỷ đồng, đạt 56,3% (cùng kỳ năm trước 49,9%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 15 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 24 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện. Trong những tháng còn lại của năm 2022, KTNN sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2023 theo luật.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo của KTNN; đồng thời đề nghị KTNN báo cáo cụ thể hơn các kết quả đạt được và các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022.

Bên cạnh đó, UBTCNS cũng đề nghị bổ sung báo cáo chi tiết các vi phạm đã được phát hiện, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để bổ sung, cung cấp thông tin, số liệu cho Quốc hội xem xét, phê chuẩn dự toán NSNN năm 2023 tại Kỳ họp thứ 4; cung cấp thông tin, số liệu kết quả kiểm toán cho hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời, xử lý, khắc phục các vi phạm và lưu ý trong quá trình phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; đánh giá làm rõ kết quả thí điểm kiểm toán từ xa đối với VNPT và báo cáo khả năng mở rộng loại hình kiểm toán này trong thời gian tới.

Tránh tình trạng không thực hiện kiến nghị kiểm toán kéo dài nhiều năm

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, UBTCNS cho rằng, kết quả thực hiện kiến nghị đạt tỷ lệ 56,3% (37.924,2 tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng còn thấp so với yêu cầu. Cơ quan thẩm tra đề nghị KTNN tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị kiểm toán để nâng cao tỷ lệ thực hiện và thu hồi tiền, tài sản vi phạm về NSNN; công khai danh sách các cơ quan, đơn vị không nghiêm túc thực hiện các kiến nghị, kết luận của KTNN, đồng thời có giải pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng không thực hiện kết luận, kiến nghị kéo dài qua nhiều năm.