90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân  cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn
Lễ ký "Quy chế phối hợp, phát huy vai trò của tín dụng đối với "tam nông".

Ngày 5/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ký "Quy chế phối hợp, phát huy vai trò của tín dụng đối với "tam nông"".

Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nội dung Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác giữa Bộ NN&PTNT và NHNN tập trung vào các nhóm vấn đề chính sau:

Thứ nhất, phối hợp rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng và hoạt động ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phối hợp triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Thứ hai, tăng cường phối hợp, trao đổi công tác trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ ba, phối hợp trong công tác truyền thông, thông tin, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt tại khu vực nông thôn.

Thứ tư, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, đào tạo, kết nối ngân hàng với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả công tác trong thực thi nhiệm vụ.

Thứ năm, hình thành cơ chế phối hợp liên ngành từ trung ương đến các địa phương nhằm triển khai các nội dung của Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác đến các đơn vị trực thuộc trong toàn hệ thống của NHNN và Bộ NN&PTNT.

Thông tin tại lễ ký kết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định “tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này.

NHNN đã tích cực sử dụng các công cụ điều hành để tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như quy định chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn (hiện nay là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn). Đồng thời, có chính sách khuyến khích tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua tái cấp vốn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm hệ số rủi ro đối với các khoản vay vốn trong lĩnh vực này.

NHNN cũng tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển một số ngành, lĩnh vực đặc thù trong nông nghiệp. Gần đây nhất là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản đã triển khai rất hiệu quả và đang tiếp tục nâng hạn mức lên dành cho đối tượng này. Đến nay, đã có 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với mạng lưới phủ khắp toàn quốc, chiếm 1/3 tổng dư nợ nền kinh tế.

Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nhu cầu vay vốn của bà con nông dân là rất lớn. Bộ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai ngành trong tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Từ đó, có thể hỗ trợ người nông dân - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội có thể tiếp cận đồng vốn ngân hàng một cách thuận lợi, lãi suất ưu đãi, bên cạnh đó, cũng đặt ra yêu cầu người nông dân phải sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, an toàn.