Kỳ vọng phát triển kinh tế và đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp Đức tại Việt Nam mới nhất - AHK World Business Outlook - Mùa Xuân 2023.

91% doanh nghiệp Đức mong muốn tiếp tục đầu tư, hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Nguồn: AHK Việt Nam

Khảo sát cho thấy, nhờ việc triển khai nhanh chóng các kế hoạch hành động của Chính phủ và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực. Bởi vậy, các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam trở nên lạc quan hơn so với kỳ mùa thu năm 2022, mặc dù trong ngắn hạn, họ vẫn còn thận trọng do những thách thức địa chính trị như lạm phát, xu hướng tách rời sự phụ thuộc của các nền kinh tế lớn và sự ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng lên đến chuỗi cung ứng.

AHK World Business Outlook là cuộc khảo sát hằng năm của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức với sự tham dự của các doanh nghiệp và nhà đầu tư thành viên của Phòng Thương mại Đức tại nước ngoài, các phái đoàn và văn phòng đại diện. Vào kỳ mùa xuân năm 2023 (tháng 3 và tháng 4/2023), khảo sát đã thu thập phản hồi từ hơn 5.100 doanh nghiệp Đức từ khắp nơi trên thế giới cũng như các doanh nghiệp đối tác của họ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam .

Theo kết quả khảo sát, có tới 88% số người tham gia khảo sát tự tin với tình hình kinh doanh của họ tại Việt Nam (hài lòng và tốt) và gần một nửa số doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục ổn định, trong khi 21% trong số họ tin tưởng tình hình sẽ cải thiện.

Về kỳ vọng phát triển doanh nghiệp, có tới 50% đại diện doanh nghiệp Đức được hỏi cho biết có kỳ vọng tốt hơn, 42% chọn “giữ nguyên” và chỉ có 8% cho rằng kỳ vọng phát triển doanh nghiệp sẽ kém hơn so với năm trước.

Các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất. Theo đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi tăng trưởng trong trung hạn.

Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố bao gồm các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), việc triển khai chiến lược “Trung Quốc +1”, xu hướng toàn cầu về dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất đến các trung tâm sản xuất có tính cạnh tranh cao tại Đông Nam Á và dòng vốn đầu tư xanh.

Có tới 57 % nhà đầu tư Đức tại Việt Nam ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, trong đó Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, tiếp theo là Malaysia và Thái Lan.

Tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam

Các nhà đầu tư Đức bày tỏ sự lạc quan với triển vọng thị trường Việt Nam nhưng vẫn thận trọng trong những dự định ngắn hạn do rủi ro đến từ những biến động kinh tế toàn cầu gây ra như: nhu cầu toàn cầu thấp (51%), quan ngại về chính sách phát triển kinh tế (46%), thiếu hụt lao động có tay nghề (34%) và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng (28%).

Thêm vào đó là những thách thức địa chính trị dài hạn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đặc biệt trong lạm phát/chính sách tiền tệ (41%), sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu (41%) và sự gia tăng ảnh hưởng chính trị đối với chuỗi cung ứng (40%).

91% doanh nghiệp Đức mong muốn tiếp tục đầu tư, hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Năng lượng tái tạo là lĩnh vực doanh nghiệp Đức mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Cũng tại khảo sát lần này, AHK Việt Nam đề xuất những lĩnh vực trọng tâm sau để tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tiềm năng của Việt Nam.

Theo đó, cùng hợp tác và nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề bằng cách trang bị cho người lao động các kỹ năng theo tiêu chuẩn của Đức, tận dụng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số.

Tiếp đó là ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp địa phương để duy trì vai trò của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và của Đức, đồng thời tuân thủ các quy định về phát triển bền vững như ESG và Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức.

Để thu hút đầu tư cho tăng trưởng xanh, AHK Việt Nam cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa và khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII để khuyến khích sản xuất điện tái tạo.

Đồng thời, đơn giản hóa, số hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính để tận dụng EVFTA và cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.

40% doanh nghiệp sẽ tăng số lượng nhân viên trong 12 tháng tới

Trả lời câu hỏi về dự định của doanh nghiệp trong 12 tháng tới, 36,9% doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, 41,5% cho biết sẽ không thay đổi mức đầu tư. Cùng với đó, có tới 40% doanh nghiệp cho biết dự kiến sẽ tăng số lượng nhân viên của doanh nghiệp, 47,7% cho biết sẽ giữ nguyên lượng nhân sự và chỉ có 12,3% cho biết dự kiến sẽ giảm nhân sự.