Báo cáo Khí hậu châu Á - Thái Bình Dương của ADB nêu cụ thể một loạt những tác động tổn hại đang đe dọa khu vực.

ADB: Biến đổi khí hậu có thể làm giảm 17% GDP của châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển vào năm 2070
Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt. Ảnh minh họa

Theo đó, mực nước biển dâng và năng suất lao động giảm sẽ gây ra thiệt hại lớn nhất, trong đó các nền kinh tế thu nhập thấp hơn và dễ đổ vỡ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục tăng tốc, có tới 300 triệu người trong khu vực có thể bị đe dọa bởi tình trạng ngập lụt ven biển và hàng nghìn tỷ USD tài sản ven biển có thể bị tổn thất mỗi năm vào năm 2070.

Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa cho biết: “Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng sự tàn phá từ các cơn bão nhiệt đới, nắng nóng và lũ lụt trong khu vực, góp phần gây ra những thách thức kinh tế chưa từng có và gây ra đau khổ cho con người. Cần có hành động khẩn cấp, phối hợp tốt về khí hậu để giải quyết những tác động này trước khi quá muộn. Báo cáo về khí hậu này cung cấp thông tin chi tiết về cách thức tài trợ cho các nhu cầu thích ứng khẩn cấp và đưa ra các khuyến nghị chính sách đầy hứa hẹn cho các chính phủ ở các quốc gia thành viên đang phát triển của chúng tôi về cách thức giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp nhất”.

Báo cáo cho thấy xu hướng của người dân trong khu vực ủng hộ hành động vì khí hậu. Trong một nghiên cứu về nhận thức biến đổi khí hậu của ADB năm nay, 91% số người được hỏi tại 14 nền kinh tế trong khu vực cho biết, họ coi hiện tượng ấm lên toàn cầu là một vấn đề nghiêm trọng, trong đó nhiều người mong muốn chính phủ có hành động quyết liệt hơn.

Các hành động thích ứng cần được đẩy nhanh để giải quyết những rủi ro khí hậu đang gia tăng, cùng với yêu cầu cấp bách phải nâng cao đáng kể nguồn tài chính khí hậu tập trung vào thích ứng.

Theo ADB, nhu cầu đầu tư hàng năm cho các quốc gia trong khu vực để thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức từ 102 tỷ USD đến 431 tỷ USD- vượt xa mức 34 tỷ USD tài trợ cho hành động thích ứng được ghi nhận trong khu vực vào năm 2021-2022. Các cải cách quy định của chính phủ và việc tăng cường nhận thức về rủi ro khí hậu đang giúp thu hút các nguồn tài chính khí hậu tư nhân mới, nhưng vẫn cần có những dòng đầu tư tư nhân lớn hơn nhiều.

Về mặt giảm thiểu, báo cáo Khí hậu châu Á - Thái Bình Dương cho thấy khu vực này đang ở vị thế thuận lợi để áp dụng năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 và việc thúc đẩy thị trường carbon trong nước và quốc tế có thể giúp đạt được các mục tiêu hành động vì khí hậu một cách hiệu quả về mặt chi phí.