Sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ

Theo Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries, sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, thắt chặt thị trường lao động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất trong năm 2021.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh. Kinh tế Việt Nam sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định.

ADB: Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022
Đại diện ADB tại họp báo. Ảnh: LV

Phân tích rõ hơn nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam cho biết, các động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện đang rất mạnh mẽ.

Một trong những động lực đó là sự phục hồi của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Công nghiệp đã khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI đã lên 53,7 trong tháng 1/2022 (trên 50 cho thấy sự mở rộng) và lên 54,3 vào tháng 2 so với mức 52,5 trong tháng 12/2021, tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Đồng thời, sản lượng nông nghiệp được dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhờ sự phục hồi của cầu nội địa và giá hàng hóa toàn cầu tăng.

Động lực tiếp theo đến từ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, dự kiến ​​sẽ thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, bằng cách tao ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam và tạo nền tảng mang tính ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại.

Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% –10% trong năm nay. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, và tiêu dùng trong nước phục hồi trở lại.

Cùng với đó, việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2,0% vào năm 2023.

Ông Cường cũng nhấn mạnh tới động lực từ việc triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 và 2023 trị giá gần 350.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 15 tỷ USD) đã được thông qua hồi tháng 1. Chương trình ERDP sẽ gia tăng đầu tư công, kích cầu nội địa…

“Với những động lực trên, ADB rất lạc quan vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2022. ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam như trong lần công bố dự báo lần trước. Theo dự báo của chúng tôi, kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm nay và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023”- chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Nhiều rủi ro ngắn hạn đe dọa triển vọng phục hồi

Cũng theo ông Nguyễn Minh Cường, cho dù đánh giá của ADB về tăng trưởng của Việt Nam là rất tích cực nhưng rủi ro cũng không nhỏ. Triển vọng phục hồi của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những rủi ro ngắn hạn.

Theo đó, rủi ro lớn nhất là đối với nền kinh tế là rủi ro về các chủng virus mới và tỷ lệ nhiễm tăng cao kể từ giữa tháng 3, nếu không được giảm bớt có thể gây trở ngại cho việc quay lại trạng thái bình thường.

Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do cuộc xung đột Nga- Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát.

Hơn nữa, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát.

Đến cuối quý I/2022, lạm phát bình quân tăng lên 1,9%, so với mức 0,3% của một năm trước đó. Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023.

Rủi ro tiếp theo là sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo ADB, hầu hết các nền kinh tế lớn đều được dự báo sẽ có sự tăng trưởng chậm lại trong năm 2022. Đây đều là những bạn hàng lớn của Việt Nam nên sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn cũng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam.

Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc cũng như chính sách thắt chặt, Zero Covid tại quốc gia này sẽ tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Trong nước, nợ xấu gia tăng là một rủi ro khác trong trung hạn. Nếu tính thêm các khoản cho vay được cơ cấu lại vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu tiềm năng của Việt Nam ước tính là 8,2% tổng dư nợ.

Bên cạnh việc chi phí vật liệu xây dựng tăng nhanh, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công phức tạp có thể làm chậm việc triển khai chương trình ERDP của Việt Nam, giảm tác động mong muốn đối với tăng trưởng. "Vì vậy, sự phục hồi cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế"- ông Nguyễn Minh Cường nhận định./.