Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (AFCDM+3) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra vào ngày 21/10/2021.

Đây là hội nghị quan trọng cuối năm 2021 của Tiến trình hợp tác ASEAN+3 nhằm đánh giá kết quả các sáng kiến hợp tác như: Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM); Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI); hoạt động của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và phê duyệt các định hướng hợp tác cho các năm tiếp theo. Đoàn đại biểu Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham dự hội nghị tại hai điểm cầu ở Việt Nam.

AFCDM+3 bàn thảo nhiều nội dung quan trọng liên quan tới hợp tác tài chính đa phương
AFCDM+3 bàn thảo nhiều nội dung quan trọng liên quan tới hợp tác tài chính đa phương. Ảnh: Đức Minh

Thảo luận về tình hình kinh tế khu vực và đối thoại chính sách, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã chia sẻ với các thứ trưởng và phó thống đốc các đánh giá, nhận định về kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực.

Tình hình dịch bệnh và sự gia tăng lạm phát được coi là những yếu tố chính, bên cạnh các rủi ro liên quan đến đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu, căng thẳng thương mại và công nghệ, thiên tai và biến đổi khí hậu, đang làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và khu vực.

Các tổ chức quốc tế khuyến nghị cần ưu tiên tập trung giải quyết các rủi ro về dịch bệnh, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phục hồi tăng trưởng bền vững.

Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) thay mặt cho Bộ Tài chính Việt Nam đã cập nhật với hội nghị về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như các giải pháp quyết liệt mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhằm kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi các hoạt động kinh tế, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”.

AFCDM+3 bàn thảo nhiều nội dung quan trọng liên quan tới hợp tác tài chính đa phương
Đại diện Bộ Tài chính Việt Nam cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Ảnh: Đức Minh

Đánh giá về việc củng cố cơ chế CMIM, các thứ trưởng và phó thống đốc hoan nghênh kết quả làm việc của Nhóm đặc trách ASEAN+3 và đã thông qua các sửa đổi trong hướng dẫn hoạt động của CMIM, báo cáo kết quả thử nghiệm CMIM lần thứ 12, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của CMIM cho các nước.

Nhận định về hoạt động của AMRO, hội nghị đánh giá cao những nỗ lực của AMRO với tư cách là một tổ chức quốc tế trong thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do tình hình dịch bệnh, song đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình trong các lĩnh vực hỗ trợ triển khai CMIM, giám sát kinh tế vĩ mô khu vực, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên và tăng cường quản trị và quảng bá cho tổ chức.

Các thứ trưởng và phó thống đốc đã thông qua báo cáo của AMRO trong năm 2021 cũng như kế hoạch hoạt động, ngân sách và nhân sự cho năm 2022, Kế hoạch thực hiện trung hạn (MTIP) cho giai đoạn 2022 - 2026 và các vấn đề khác về quản trị và nhân sự cao cấp của AMRO.

Các thứ trưởng và phó thống đốc bày tỏ kỳ vọng AMRO sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng giám sát kinh tế vĩ mô khu vực, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, các dự án nghiên cứu, tư vấn chính sách cho các nước thành viên; đồng thời cải thiện năng lực tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, đối tác, truyền thông, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, qua đó đóng vai trò quan trọng hơn trong Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3.

Về các định hướng hợp tác tài chính trong tương lai của ASEAN+3, hội nghị đã cập nhật tiến độ triển khai hoạt động của 4 nhóm công tác nhằm triển khai các định hướng mới trong các lĩnh vực tăng cường tài chính cho cơ sở hạ tầng, nâng cao việc sử dụng các công cụ cấu trúc vĩ mô, củng cố sự phục hồi tài chính trước các thảm họa tự nhiên và tăng cường hợp tác chính sách đối với sự tiến bộ công nghệ.

Hội nghị cũng đã cập nhật tình hình hoạt động của ABMI trong các lĩnh vực thúc đẩy cung, cầu thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực, cải thiện khung pháp lý và cơ sở hạ tầng thông tin cho thị trường, cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đối với các nước.

Hội nghị AFCDM+3 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội nghị tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Campuchia vào tháng 3 năm 2022 dưới sự chủ trì của Campuchia và Trung Quốc./.