![]() |
"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" góp phần tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa Thủ đô. Ảnh tư liệu |
Lan tỏa tinh thần sẻ chia, đồng hành
Nhắc đến năm 2024, không ai có thể quên những ngày đầu tháng 9/2024, siêu bão Yagi quét qua nhiều tỉnh ở miền Bắc trong đó có Hà Nội, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Vẫn nhớ, giữa khung cảnh thiên tai hoành hành, tình người vẫn tỏa sáng. Trên những cây cầu nguy hiểm nơi gió bão thổi mạnh như cây cầu Nhật Tân hay tại ngã tư Mễ Trì - Lê Quang Đạo, người dân đã chứng kiến hành động đẹp: Nhiều ô tô tình nguyện chạy song song, che chắn cho các xe máy, giúp người đi đường vượt qua cầu an toàn hơn, tránh bị gió cuốn. Đó là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết và sự tương trợ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn, sự chia sẻ ấm áp của tình người trong khó khăn.
Văn hóa của người Hà Nội bắt đầu từ “nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp”Văn hóa của người Hà Nội đã và đang là mối quan tâm của các cấp lãnh đạo, các tổ chức và của cả người dân. Xây dựng “văn hóa người Hà Nội” được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong việc tổ chức, thực hiện các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bắt đầu từ “nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp” từ trong gia đình đến cộng đồng dân cư và toàn xã hội. |
Sự ấm áp, sẻ chia còn lan tỏa mạnh mẽ khi trước, trong và sau cơn bão, các cấp chính quyền, lãnh đạo thành phố đồng hành lúc dân cần, khi dân khó. Thành phố đã vào cuộc với trách nhiệm cao nhất để sẻ chia giúp bà con vùng lũ gượng dậy sau thiên tai.
Ngay sau bão số 3, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn là 220,87 tỷ đồng. Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30/30 bí thư quận, huyện, thị ủy tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải tiếp tục theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân, khẩn trương giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bão số 3... Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kịp thời thăm, động viên người dân tại các khu vực nguy hiểm…
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội đã tiếp nhận hàng trăm nghìn tỷ đồng ủng hộ và nhiều nhu yếu phẩm cho nhân dân bị ảnh hưởng và tại các khu tạm cư tập trung từ các tổ chức, cá nhân - những tấm lòng hảo tâm trên địa bàn thành phố.
Nhờ sự chung sức, đồng lòng từ lãnh đạo đến người dân nên thành phố đã bảo đảm tốt các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân. Sau cơn bão, chính quyền các địa phương của Thủ đô tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục hậu quả, vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Ấm áp nghĩa cử vì cộng đồng
![]() |
Cùng với việc ổn định đời sống và tái thiết sản xuất sau thiên tai, Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Hà Nội đã kêu gọi ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ và đã tiếp nhận hơn 216 tỷ đồng ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.
Theo bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội, con số này nói lên rất nhiều điều, trong đó thể hiện tấm lòng, trách nhiệm và nghĩa tình của nhân dân Thủ đô đến nhân dân các tỉnh, thành bạn.
Hà Nội đã khẩn trương tổ chức các đợt hỗ trợ số tiền đó để các tỉnh, thành kịp thời khắc phục hậu quả bão số 3 như hỗ trợ đợt 1 là 51 tỷ đồng cho 11 tỉnh; đợt 2 là 30 tỷ đồng cho 12 tỉnh và nhu yếu phẩm giá trị 500 triệu đồng cho các địa phương cũng như xây, sửa nhà bị hư hỏng, mua cây, con giống, vật tư, phương tiện sản xuất giúp ổn định cuộc sống.
Có thể thấy, bằng nhiều phương thức khác nhau, mỗi người dân Thủ đô đều mong mỏi sẻ chia, động viên đồng bào vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định cuộc sống. Đó là sự ấm áp nghĩa tình của nhân dân Hà Nội với nhân dân vùng lũ.
Trong thư thăm hỏi đồng bào 11 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã mong rằng, với tình cảm “Tương thân, tương ái” và tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, khoản hỗ trợ của TP. Hà Nội gửi tới Quỹ Cứu trợ của các địa phương góp phần khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra và chia sẻ những khó khăn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố. Cùng với việc hỗ trợ các tỉnh, thành, lãnh đạo TP. Hà Nội cũng thống nhất quan điểm không nhận hỗ trợ của trung ương và các địa phương khác để ưu tiên cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng hơn và khó khăn hơn.
Những nghĩa cử cao đẹp đó thể hiện tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng người dân Thủ đô, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa người Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, Chính nét đẹp đó đã tạo nên sức mạnh giúp chính quyền và nhân dân Thủ đô đồng lòng vượt qua chặng đường khó khăn, đưa nền kinh tế Thủ đô năm 2024 tăng trưởng cao hơn cùng kỳ với GRDP đạt khoảng trên 6,5%.
Chăm lo đời sống người dân - Tết đầm ấm và đủ đầyTrong niềm vui chung của cả nước, có lẽ để cảm nhận sự ấm áp của Tết này khác Tết xưa nhiều nhất, đó là TP. Hà Nội xóa toàn bộ nhà dột nát cho người nghèo, hộ cận nghèo. Đối với những hộ dân không thể thoát nghèo, thành phố giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội có cơ chế chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội. Sự nối tiếp của các chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Hà Nội cũng thể hiện rõ qua những việc làm thiết thực để chăm lo cho từng công nhân, người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn như: tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu xe cho 5.000 công nhân về quê đón Tết Ất Tỵ 2025… |