Năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã trở thành trung tâm đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, khu vực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc; 7 năm liên tục (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số. Trong đó, năm 2020 GRDP của tỉnh đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28% trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (xếp thứ 13/63 toàn quốc và 3/7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ).

Đi cùng với đó là tốc độ đô thị hóa đứng ở top đầu cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt khoảng 269.000 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía Bắc. Năng suất lao động tăng trên 13%.

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 48.300 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Tỷ trọng chi đầu tư tăng lên, đạt khoảng 57 - 58% tổng ngân sách.

Nếu như trước đây, Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng khó khăn, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của trung ương thì nay đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực; trở thành trung tâm đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ; là cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc, với tăng trưởng GRDP cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022).

Bài 1: Điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ
Cờ hoa rực rỡ, trên đường phố Hạ Long.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh Quảng Ninh tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng; ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020, gấp 5,6 lần so với 2010. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước (cao nhất ở khu vực phía Bắc), ước đến hết năm 2023 đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp và về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Trên chặng đường phát triển, tỉnh Quảng Ninh và ngành than luôn gắn bó mật thiết, máu thịt “tuy hai mà một, tuy một mà hai”; đồng hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thực hiện quá trình chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, mặc dù đóng góp ngành than vào tăng trưởng của tỉnh có xu hướng giảm dần, song vẫn giữ vị trí, vai trò trụ cột đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh và góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đến nay, ngành than đóng góp khoảng 1/4 trong GRDP và gần 40% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh; tạo ra việc làm thường xuyên, ổn định cho khoảng 100.000 lao động và gắn bó sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế được giữ vững

2023 là năm Quảng Ninh xác định phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có ở cả trong nước cũng như quốc tế khi mà đại dịch Covid-19 vừa qua đi, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraina kéo dài… Thế nhưng, với sự đoàn kết, đồng lòng, khoa học, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò của người đứng đầu, Quảng Ninh vẫn giữ vững sự ổn định, phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế được giữ vững, bức tranh kinh tế - xã hội tiếp tục có rất nhiều điểm sáng, tích cực, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.

Thành quả nổi bật nhất trong 9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước tăng gần 10%, trong đó khu vực công nghiệp xây dựng ước tăng 9,08%; khu vực nông, lâm nghiệp ước tăng 4,19%; khu vực dịch vụ ước tăng 12,76%. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% (so với cùng kỳ).

Bài 1: Điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ
Một góc TP Hạ Long.

Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước thực hiện đạt 40.678 tỷ đồng, bằng 75% dự toán tỉnh giao, tăng 4%. Trong đó, thu nội địa đạt 28.678 tỷ đồng, tăng 3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 5%.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt được kết quả rõ nét, ước đạt 853,93 triệu USD, đạt 85,4% kế hoạch, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Điểm sáng trong thu hút vốn FDI của tỉnh trong năm nay là ngoài các nhà đầu tư truyền thống đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Quảng Ninh đón nhiều nhà đầu tư mới đến từ các nước châu Âu. Đây là kết quả từ nỗ lực của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đặc biệt là lĩnh lực du lịch, 9 tháng qua đã chứng kiến sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh 9 tháng ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7%. Tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8%. Khu vực du lịch tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đây là kết quả từ việc tỉnh Quảng Ninh quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động; tập trung thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ; thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô…, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn, Cô Tô, sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long… Quảng Ninh cũng chú trọng đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, an toàn, thân thiện.

Quý IV/2023 được xem là khoảng thời gian quyết định để các sở, ban, ngành, địa phương tăng tốc về đích ở tất cả các nhiệm vụ, qua đó đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh. Quảng Ninh xác định trong quý cuối cùng của năm, tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, qua đó góp phần đưa tăng trưởng cả năm 2023 đạt trên 11%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh quý IV đạt 13.165 tỷ đồng, cả năm 2023 đạt 54.000 tỷ đồng.

Trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, Quảng Ninh đặt mục tiêu cả năm 2023 thu hút hơn 1 tỷ USD và tiếp tục thu hút những dự án FDI theo hướng có chọn lọc. Trong đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao thân thiện với môi trường, sử dụng ít tài nguyên, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Với ngành công nghiệp không khói, Quảng Ninh phấn đấu mục tiêu cả năm 2023 thu hút 15 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế phấn đấu đạt 2 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 32.400 tỷ đồng.

Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra, chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, khoa học trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh gắn trách nhiệm người đứng đầu và tập thể lãnh đạo tập trung khâu điều hành bảo đảm sự nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, sâu sát, cụ thể; tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra./.