Sau khi chốt giá đất, nhà và tài sản trên đất, trước khi công chứng, giữa hai bên mua và bán thường thỏa thuận kê khai hạ thấp mức giá. Trên thực tế, có trường hợp giảm giá hàng chục lần để “hai bên cùng có lợi”: giảm được 2% thuế thu nhập cá nhân cho người bán, 0,5% thuế trước bạ cho người mua. Trường hợp đặc biệt, chỉ khi nào có tranh chấp sự việc mới vỡ lở.

“Ma trận” mức khai giá

Đầu tháng 11/2021 là thời điểm TP. Hồ Chí Minh nới lỏng mọi hoạt động giãn cách xã hội, từng bước trở lại bình thường mới, đây cũng chính là thời điểm mua bán bất động sản (BĐS) ở huyện Củ Chi và các địa phương trên địa bàn sôi động trở lại. Trong vai một người mua đất tại xã An Nhơn Tây huyện Củ Chi cùng với mấy người bạn, thông qua môi giới “cò đất” (theo cách gọi phổ biến), tôi được họ dẫn đi xem đất tại rất nhiều vị trí. Đủ loại như “ma trận”, từ vị trí đắc địa, đến đất thổ canh, thổ cư với nhiều mức giá khác nhau được “cò đất” giới thiệu, minh họa bằng sổ đỏ qua zalo, kèm mức giá thị trường ban đầu trước khi thỏa thuận.

Vợ chồng T.H, nhà ở trung tâm xã An Nhơn Tây, Củ Chi có mối quan hệ rộng được xem như “thủ lĩnh” trong giới “cò đất” trong khu vực rất xởi lởi và “rất thuộc bài” khi trao đổi với tôi cùng nhóm người bên quán cóc ven đường sau hơn 1 giờ dẫn đi xem đất. Tôi chủ động hỏi, lô đất vừa xem nếu mua thì cách thức thế nào? Người vợ tên H trả lời: “Lô này có diện tích 350m2, có 120 m đất thổ cư, đầu mùa dịch nhiều người trả 3,5 tỷ đồng chủ đất không bán, nay dịch giã, xuống còn 2,8 tỷ đồng, có thương lượng chút đỉnh và bao sổ đỏ anh có lấy không?”. “Thế vấn đề làm mọi thủ tục hồ sơ và khai, nộp thuế như thế nào?” – tôi hỏi. Chị H nhanh nhảu: “Chỉ cần anh và chủ đất thỏa thuận khai thấp xuống mức bao nhiêu cho hợp lý để hai bên cùng đỡ tiền thuế phải nộp là “ok”.

Đồ họa: Hồng Vân
Đồ họa: Hồng Vân

Đem câu chuyện hỏi ý kiến một người bạn tên B, nhà ở quận 12 vừa mới mua lô đất 3 tỷ đồng cũng ở Củ Chi, B cho biết, hôm trước hai bên thỏa thuận khai xuống còn 300 triệu đồng trước khi công chứng mà còn cảm thấy bị “hớ”, bởi tháng 6/2021 cũng mức giá đó, địa bàn đó, có người khai 50 triệu đồng để “né” thuế mà vẫn ra được sổ đỏ.

Cùng thời điểm tháng 11, tại TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng tôi thông qua “cò đất” tiếp cận lô đất 180 m2 được rao bán 2,5 tỷ đồng. “Cò đất” không ngần ngại cho biết, chỉ cần hai bên chốt xong giá bán thực tế, sau đó khai giá trước khi công chứng khoảng 500-700 triệu đồng là được.

Phổ biến ở khắp nơi

Không chỉ ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, tại TP.Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, đầu năm 2020 khi tỉnh này có chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư nhiều dự án về hạ tầng, giao thông đô thị… thị trường BĐS ở khu vực này bỗng chốc trở nên rất sôi động. “Cò đất”, nhà đầu tư lớn nhỏ từ khắp nơi đổ về. Họ làm nhà tạm để ở, mua vài lô ban đầu để tạo mẫu, sau đó khoanh vùng, phân lô, bán nền và quảng cáo đủ kiểu trên mạng xã hội. Và đương nhiên giá BĐS kèm dịch vụ “cò đất” ăn theo bùng nổ đến mức địa phương khó kiểm soát trong một thời gian dài.

Tại Bình Dương, 10 tháng qua, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận một số đơn thư có nội dung tố cáo việc khai thuế giữa bên mua và bên bán qua công chứng thấp hơn thực tế. Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ nội dung tố cáo của công dân cho Công an TP. Dĩ An tỉnh Bình Dương điều tra làm rõ và đang chờ kết quả.

Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng cho biết, câu chuyện về trốn thuế liên quan đến chuyển nhượng BĐS tại Lâm Đồng đã tồn tại rất lâu và phổ biến, nhất là gần đây ở TP. Bảo Lộc đúng như báo chí phản ánh. Có tình trạng người nộp thuế khai thấp 10 lần so với giá chuyển nhượng thực tế. Ông Phương cũng cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin cơ quan thuế đã vào cuộc xác minh, yêu cầu địa phương, ngành chức năng, người nộp thuế giải trình theo quy định của Luật Quản lý thuế. “Thế nhưng người bán, người mua liên kết với nhau, họ còn kiến nghị lên UBND TP. Bảo Lộc cho rằng cơ quan thuế làm khó” - ông Phương bày tỏ.

Cũng theo ông Phương, điều đáng quan ngại hơn khi mà UBND TP. Bảo Lộc sau khi tiếp nhận phản ánh lại có văn bản can thiệp đối với cơ quan thuế và cho rằng chưa phù hợp theo quy định của Luật Quản lý thuế, tạo áp lực rất lớn tới cán bộ công chức thuế…

Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành

Công tác chống thất thu thuế là một nhiệm vụ quan trọng luôn được Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo sát sao. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, đối với hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản yêu cầu cơ quan thuế các cấp quản lý chặt việc kê khai và nộp thuế trong lĩnh vực này.

Mới đây nhất, ngày 15/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký văn bản số 14257/BTC-VP gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Thuế để tăng cường chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Văn bản nêu rõ, để chống thất thu thuế hiệu quả, rất cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan.