Bài 1: Kê khai giá thấp hàng chục lần để “né” thuế Bài 1: Kê khai giá thấp hàng chục lần để “né” thuế

Minh chứng qua nhiều vụ án

Năm 2019, tại TP. Hồ Chí Minh từng có một số vụ điển hình trong việc chuyển nhượng nhà đất tại TP. Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Sự việc chỉ bị vỡ lở khi các bên mua, bán nhà đất có tranh chấp phát sinh và khởi kiện ra tòa án, khi ấy các bên mới công khai thừa nhận việc ghi giảm tiền mua để “né” bớt thuế. Chẳng hạn như vụ án xảy ra ở huyện Bình Chánh. Tại Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh, chủ tọa phiên tòa ghi nhận lời khai của nguyên đơn rằng: thực tế giá mua bán nhà, đất là 7,8 tỷ đồng, nhưng hai bên thỏa thuận chỉ ghi trên hợp đồng chuyển nhượng có 1,2 tỷ đồng. Số thuế thực nộp thấp hơn khoảng 6,5 lần so với số thuế lẽ ra phải đóng là hơn 156 triệu đồng so với giá thực tế, tức bên bán đã “ăn gian” của Nhà nước hơn 100 triệu đồng tiền thuế.

Tại tỉnh Phú Yên, ngày 28/9/2021, trong thông báo về việc bắt bị can để tạm giam đối với bà Ngô Thị Điều, chủ doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại TP. Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng, quá trình điều tra xác định chủ doanh nghiệp này đã có hành vi kê giá trên các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế dẫn đến việc cơ quan thuế xác định sai số tiền thuế phải nộp, giảm tiền thuế thu nhập từ chuyển nhượng BĐS và lệ phí trước bạ nhà đất trong quá trình chuyển nhượng 259 thửa đất tại khu đô thị phía Nam TP. Tuy Hòa, gây thất thu cho ngân sách nhà nước số tiền thuế hơn 2,4 tỷ đồng.

Nguồn: Vụ việc tại Bình Chánh Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Vụ việc tại Bình Chánh Đồ họa: Hồng Vân

Tại bản tự khai, bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP. Kon Tum số 63/2021/DS-ST ngày 8/9/2021, các bên mua bán đất thừa nhận một cách công khai, tháng 12/2019 giá trị thật giao dịch giữa 2 bên đối với lô đất là 980 triệu đồng. Đồng thời thừa nhận, quá trình lập thủ tục công chứng mua bán tài sản gắn liền với đất, 2 bên đã thỏa thuận, thống nhất giá trị thể hiện trong hợp đồng là 50 triệu đồng để giảm mức thấp nhất các khoản thuế, phí và lệ phí công chứng.

Đây chỉ là mấy ví dụ điển hình, nhỏ lẻ được ghi nhận trong số hàng nghìn vụ việc liên quan đến giao dịch, mua bán BĐS có yếu tố “mờ ám” được phát hiện, xử lý hành chính, hình sự ở khắp các địa phương cả nước trong mấy năm gần đây, đã trở thành những câu chuyện phổ biến chưa có hồi kết.

Kéo theo nhiều hệ luỵ

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - nguyên đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh khóa XIV, trong một đợt giám sát chuyên đề cuối nhiệm kỳ trên địa bàn đã thốt lên rằng: “Thực trạng những gì đang diễn ra qua các giao dịch mua bán BĐS, việc ghi giá mua bán nhà, đất trên hợp đồng thấp để trốn thuế làm thất thu ngân sách nhà nước của TP. Hồ Chí Minh ước tính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm”.

Cũng trong đợt khảo sát tại các quận Gò Vấp, TP. Thủ Đức… nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc xác định đơn giá đất bồi thường ở các địa phương này đã gặp rất nhiều khó khăn do hệ lụy của việc giao dịch mức giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thường thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế.

Việc xây dựng đơn giá đất bồi thường dựa trên những hợp đồng mua bán BĐS được giao dịch thành công với mức giá rất thấp, do đó đơn giá bồi thường thấp, đặc biệt đối với đất nông nghiệp. Tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ kinh phí để tái định cư, người dân không đồng ý giá bồi thường, dẫn tới hậu quả là số vụ khiếu nại, khiếu kiện đông người liên quan đến bồi thường đất ngày càng nhiều và phức tạp, kéo dài. Không những thế nó còn là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án hạ tầng, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Nhìn nhận mức độ nguy hại ở một góc độ khác, nguyên đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: “Một số đơn vị công chứng tiếp tay cho người dân trốn thuế bằng cách lờ đi việc ghi giá bán quá thấp trên hợp đồng… Người muốn trung thực cũng phải đấu tranh lắm mới được ghi giá mua bán thực tế trên hợp đồng". Cũng theo vị đại biểu này, tác hại của việc khai giá bán thấp để trốn thuế không những làm ảnh hưởng đến người nhận bồi thường tại các dự án, mà còn làm méo mó giá thị trường BĐS. Theo Nghị định 129/2013 và Thông tư 166/2013 của Bộ Tài chính, hành vi trốn thuế, gian lận thuế này bị phạt từ 1 - 3 lần số tiền trốn thuế, gian lận thuế đối với tổ chức, còn đối với cá nhân mức phạt bằng 1/2 của tổ chức.

Nên xử lý hình sự điểm một số trường hợp sai phạm để răn đe

Rõ ràng, xuất phát từ lòng tham, từ sự thiếu trung thực của một bộ phận không nhỏ người dân, từ sự buông lỏng quản lý của ngành chức năng và chính quyền các cấp đã dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Không những thế, thực trạng này còn gây ra nhiều hệ lụy khác làm mất ổn định an ninh trật tự, gây khó khăn cho công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư, làm yếu đi nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng của các địa phương và đất nước… Liên quan đến những vấn đề nổi cộm về đất đai, nhiều đại biểu Quốc hội các khóa đề nghị các cấp có thẩm quyền nên xử lý hình sự điểm một số trường hợp giao dịch BĐS ghi giá thấp hơn giá thực tế để trốn thuế, đồng thời cho rằng đây là vấn đề cần các cơ quan chức năng kiểm soát ngay lập tức, không chờ đến khi sửa đổi Luật Đất đai.