cong trinh

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần hạn chế việc kéo dài thời gian giải ngân của các dự án.

Nâng cấp phân quyền trong điều chỉnh kế hoạch các dự án cùng lĩnh vực, hạn chế tối đa việc kéo dài thời gian giải ngân của các dự án...”. Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Triệu Thọ Hân đề xuất biện pháp thúc đẩy giải ngân các dự án trong đầu tư công.

PV: Thưa ông, Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên cho đến nay, việc triển khai, chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Vậy theo ông, vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện Luật Đầu tư công là gì?

Ông Triệu Thọ Hân: Theo tôi hiện nay Luật Đầu tư công có nhiều vướng mắc, tuy nhiên có 2 vướng mắc lớn nhất. Thứ nhất, vướng mắc về thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư. Thẩm định nguồn vốn là phải xác định được nguồn vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư, đây là một bước rất cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thì phải phê duyệt được chủ trương rồi mới đưa vào danh mục, nhưng khi đưa vào danh mục thì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn. Như vậy, sẽ không đủ cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với thẩm quyền phê duyệt, theo quy định tại Luật Đầu tư công về thẩm quyền điều chỉnh, các bộ, ngành địa phương khi muốn điều chỉnh kế hoạch của các danh mục cùng lĩnh vực trong năm thì báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Việc quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải thẩm định nguồn vốn cho từng dự án là không cần thiết, làm tăng thủ tục hành chính. Ngoài những vướng mắc như tôi vừa nói, Luật còn một số những quy định gây vướng mắc như thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm kéo dài; khâu lập kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch chưa sát thực tiễn giải ngân.

ong han

Ông Triệu Thọ Hân

PV: Thưa ông, hiện nay Chính phủ đang dự kiến ban hành Nghị quyết thúc đẩy tình hình giải ngân kế hoạch năm 2017, về phía Bộ Tài chính sẽ có giải pháp gì cụ thể để góp phần thúc đẩy giải ngân?

Ông Triệu Thọ Hân: Để thúc đẩy tình hình giải ngân kế hoạch năm 2017, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, kịp thời sửa đổi các thông tư liên quan đến giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện kế hoạch, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện và thanh toán vốn đầu tư để kịp thời xử lý. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ thực hiện định kỳ lập báo cáo rõ về tình hình giải ngân, các tồn tại vướng mắc (nếu có), đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017. Bộ Tài chính sẽ căn cứ báo cáo kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 của các dự án, từ đó có biện pháp đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

PV: Thưa ông, tại dự thảo Nghị quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 của Chính phủ, có đề xuất một số nội dung cũng như chế tài xử phạt đối với các đơn vị chậm giải ngân. Bộ Tài chính là cơ quan tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Nghị quyết, ông có thể chia sẻ về quan điểm của Bộ đối với dự thảo, thưa ông?

Ông Triệu Thọ Hân: Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn tham gia ý kiến dự thảo trên cơ sở dự thảo Nghị quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017. Theo đó, về nội dung cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án đã nêu tại Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ, chúng tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định rõ các đối tượng không áp dụng là đối với các dự án hoặc hạng mục, phần việc đã tổ chức đấu thầu, hợp đồng, trước thời điểm 1/1/2017 không thể cắt giảm 10% theo Nghị quyết nêu trên, việc cắt giảm sẽ vi phạm quy định hợp đồng đã ký kết.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị bỏ quy định tỷ lệ “giải ngân dưới 50% kế hoạch”, vì từng dự án việc giải ngân là thực hiện theo tiến độ được quy định tại hợp đồng; đồng thời, tỷ lệ giải ngân cũng không chia đều theo tháng (có thể tiến độ theo hợp đồng hết tháng 7 chưa giải ngân, nhưng tháng 11 hoặc tháng 12 giải ngân 100% kế hoạch). Đồng thời quy định đề nghị cán bộ, ngành và địa phương trong tháng 6/2017 căn cứ tình hình thực tế và dự kiến khả năng giải ngân của từng dự án, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn của các dự án không có khả năng thực hiện cho các dự án có khả năng thực hiện trong năm để đảm bảo thực hiện và giải ngân hết 100% kế hoạch được giao. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh yêu cầu các bộ ngành và địa phương báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân 15 ngày và hàng tháng để đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ theo thông báo số 1991 của Văn phòng Chính phủ.

Đặc biệt, với quy định đối với các dự án đến ngày 30/9/2017 giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn năm 2017, kiên quyết không bố trí kế hoạch năm 2018... Bộ Tài chính đề nghị xem xét đến các dự án giải ngân theo tiến độ quy định theo hợp đồng vào thời điểm các tháng cuối năm để quy định cho phù hợp thực tế, xử lý đúng với các dự án chậm giải ngân. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng có ý kiến về nội dung xử lý số vốn đã được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2015 trở về trước và năm 2016 được cấp có thẩm quyền cho kéo dài sang năm sau, nhưng hết thời hạn thanh toán không thực hiện hết, số liệu còn dư không lớn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nam Khánh (thực hiện)