Bài trừ nguy hại từ vấn nạn

Nhà mạng thu hồi, hủy gần 1 triệu sim di động

Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thống kê đến 15/5 (thời hạn các chủ thuê bao di động phải hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin đúng với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư) có tổng cộng 1,15 triệu thuê bao bị khóa hai chiều. Tính đến thời điểm hiện tại, còn gần 1 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều, chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân. Đây cũng là những thuê bao thuộc diện phải thu hồi nếu không thực hiện chuẩn hóa.

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm, những thuê bao bị thu hồi là các SIM đã quá hạn 75 ngày chuẩn hóa thông tin theo quy định. Các thuê bao này sẽ bị nhà mạng chính thức cắt dịch vụ và thu hồi về kho số. Trong tháng 5 và 6/2023, Bộ TT&TT chỉ đạo Cục Viễn thông quyết liệt triển khai các biện pháp quản lý và chuẩn hóa thuê bao, bài trừ nạn "sim rác".

Cục Viễn thông tổ chức thanh tra diện rộng hoạt động kinh doanh sim với sự tham gia của sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm thông tin thuê bao trên điện thoại. Việc xử lý nghiêm vi phạm để có tính răn đe. Sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao với CSDL quốc gia về dân cư, ở bước tiếp theo, cơ quan chức năng sẽ xử lý các chủ thuê bao sở hữu 10 sim trở lên.

Đồng thời với việc chuẩn hóa thuê bao di động, Cục Viễn thông sẽ đẩy mạnh việc xử lý cuộc gọi "rác". Cụ thể, cơ quan chức năng yêu cầu nhà mạng triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi "rác", áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ đôn đốc kiểm tra việc ngăn chặn, thu hồi các số điện thoại thực hiện cuộc gọi "rác" và tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra xử lý các trạm BTS (thu phát sóng) giả.

Đồng loạt thanh tra tình trạng sim rác trên toàn quốc

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Bộ TT&TT đang triển khai thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất. Toàn quốc hiện có 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao, với tổng số 445 cán bộ được triển khai. Trong đó, có 8 đoàn thuộc Bộ TT&TT và 74 đoàn thanh tra còn lại được thực hiện bởi sở TT&TT các tỉnh thành, địa phương.

Đáng chú ý, hoạt động thanh tra được thực hiện đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn sim thuê bao.

Theo ông Phạm Đức Long, các đoàn thanh tra tập trung làm rõ những tồn tại, sai phạm phát sinh trong quá trình đăng ký, quản lý thông tin thuê bao. Cụ thể là thuê bao có thông tin không đầy đủ, không chính xác, giả mạo giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao, lợi dụng, sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt sim.

Tăng cường biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời với việc bài trừ nạn sim rác, cơ quan chức năng, nhà mạng cần quán triệt thực hiện nghiêm có hiệu quả nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa được Chính phủ ban hành ngày 17/4/2023. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các vi phạm trong kinh doanh sim, số điện thoại di động.

Bộ TT&TT yêu cầu các đoàn thanh tra phải phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để tình trạng kích hoạt sẵn, kích hoạt nhiều sim thuê bao và bán, lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện thay đổi thông tin theo quy định, việc mua, sử dụng sim đã đăng ký thông tin của người khác không đúng quy định.

Thông qua thanh tra, các sở TT&TT nắm rõ danh sách các đại lý nhập sim, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn, nhất là các đại lý nhập sim số lượng lớn, điểm đăng ký số lượng lớn sim. Đồng thời, cơ quan chức năng nắm rõ thời điểm sim được kích hoạt số lượng lớn, đẩy ra thị trường để có biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP về quản lý thông tin thuê bao.

Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Nguyễn Thành Chung cho biết, mục tiêu của đợt thanh tra diện rộng lần này nhằm xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sim rác, cố tình đăng ký nhiều sim để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng. Đặc biệt, đợt thanh tra còn đặt mục tiêu làm rõ những trường hợp sử dụng sim đăng ký thông tin của người khác. Các sim vi phạm quy định pháp luật về quản lý thông tin thuê bao sẽ bị áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động.

Hưởng ứng chỉ đạo của Bộ TT&TT, những ngày tháng 5/2023, nhiều sở TT&TT đã tích cực vào cuộc. Đơn cử như: Sở TT&TT tỉnh Cao Bằng đang tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn như Viettel, VNPT, MobiFone. Đối tượng thanh tra cũng bao gồm các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng thuê bao với số lượng lớn, tổ chức, cá nhân phân phối, bán sim điện thoại.

Tại Hải Dương, Sở TT&TT Hải Dương đã công bố quyết định thanh tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao di động đối với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nội dung thanh tra tập trung vào việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đúng quy định, ngăn chặn tình trạng sim rác.

Đối với hai thành phố lớn như: Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh cũng đang tổ chức 6 đoàn thanh tra 6 doanh nghiệp viễn thông về sim số, lưu trữ bảo vệ thông tin cá nhân. Tại Hà Nội, Sở TT&TT Hà Nội đã ban hành các quyết định về việc thanh tra chấp hành quy định pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động đối với 03 nhà mạng là: Viettel Hà Nội, Mobifone khu vực 1, Trung tâm kinh doanh VNPT - Hà Nội, Chi nhánh Tổng công ty Dịch vụ viễn thông.

Trong đó, sở tập trung thanh tra, kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn cung cấp dịch vụ viễn thông đăng ký thông tin thuê bao lớn, có dấu hiệu vi phạm; đồng thời, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng sim điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường./.