Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững
Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Ảnh: NNK

Chiều ngày 5/6, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững”. Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu từ các bộ ngành, cơ quan thuộc UBND TP. Hà Nội, các hội - hiệp hội doanh nghiệp, (DN) các doanh nghiệp tiêu biểu, cơ quan thông tấn, báo chí...

Báo chí cần "đồng cam, cộng khổ" với các doanh nghiệp

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 125,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% về số doanh nghiệp nhưng giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, giảm 5%; 12,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 22%...

"Những con số này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn"- ông Hùng dẫn chứng.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 125,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% về số doanh nghiệp nhưng giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, giảm 5%; 12,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 22%.

Bên cạnh khó khăn về sản xuất, kinh doanh, ở góc độ hiệp hội, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho biết thêm, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn về xây dựng quan hệ với báo chí để xây dựng thương hiệu. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đôi khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, đòi hỏi kỹ năng xử lý, cùng với đó là kỹ năng tiếp xúc, thuyết phục báo chí phát huy vai trò đồng hành xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững...

Còn theo ông Hùng, trong bối cảnh hiện nay, báo chí truyền thông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, là người bạn đồng hành, hỗ trợ, động viên, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Có thể nói, “đồng cam cộng khổ” là cách mà báo chí và doanh nghiệp cần thực hiện nhất lúc này để cùng nhau vượt qua khó khăn và phát triển.

Những sự tư vấn kịp thời về truyền thông để doanh nghiệp phát triển thương hiệu, sản phẩm của mình, sự đồng hành và tìm giải pháp hợp lý để xử lý khủng hoảng là việc mà doanh nghiệp rất cần trong công tác truyền thông hiện nay.

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững
Báo chí, truyền thông là người bạn đồng hành, hỗ trợ, động viên, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Ảnh: TL

Tạo điều kiện cho các nhà báo tiếp cận với doanh nghiệp là việc nên làm, cần làm

Tại diễn đàn, các đại biểu đều khẳng định, báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ "cộng sinh" và thời gian tới cần tạo điều kiện cho nhau để duy trì mối quan hệ này bền chặt hơn nữa.

Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup Lê Dung khẳng định, báo chí và doanh nghiệp không thể tách rời. Qua những thông tin trên báo chí về chủ trương, chính sách, hay thị trường… doanh nghiệp sẽ nắm bắt, có những điều chỉnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Việc quan tâm đến báo chí, tạo điều kiện cho các nhà báo tiếp cận với doanh nghiệp là việc nên làm, cần làm. Doanh nghiệp và báo chí cần có sự gần gũi, hiểu biết nhau hơn để cùng chia sẻ, hợp tác và phát triển” - bà Dung nói.

Nhấn mạnh thêm vai trò của báo chí truyền thông đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân nói chung, ông Mạc Quốc Anh cũng mong muốn thời gian tới hai bên tăng tính kết nối, lan tỏa giá trị tích cực.

"Trước tiên, báo chí cần tạo quan hệ gắn kết, đồng hành hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, luôn xác định trách nhiệm xã hội, không ngừng cổ vũ đội ngũ doanh nhân, với khát khao xây dựng một Việt Nam hùng cường, mạnh mẽ phát triển nền kinh tế số, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Cùng với đó, báo chí phải thực hiện tốt quy tắc chuẩn mực với phóng viên, chuẩn mực đạo đức văn hóa nghề báo. Đồng thời, hạn chế tối đa những thông tin lệch lạc, không đúng thực tế, bởi thực trạng cho thấy chỉ cần một bài báo thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nhân, doanh nghiệp..."- ông Mạc Quốc Anh nói.

Đồng tình quan điểm này, ở góc độ cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nhấn mạnh, trong bất kỳ giai đoạn nào, nhà báo và doanh nghiệp đều cần đến nhau và muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa báo chí và doanh nghiệp, rất cần sự phối hợp giữa ba bên: báo chí - doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước hay hội nghề nghiệp.

"Đối với cơ quan báo chí, cần phải đặt đạo đức nghề nghiệp trước tiên cho người làm báo. Mặt khác, các phóng viên phụ trách về mảng này cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế; thông tin rõ ràng, khách quan, đa chiều, không mập mờ, gây hoang mang. Thứ hai, trong môi trường truyền thông hiện nay, các doanh nghiệp cần sẵn sàng hợp tác và chia sẻ thông tin với báo chí và cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông. Điều quan trọng, doanh nghiệp nên thể hiện tinh thần sẵn sàng lắng nghe, hợp tác và đối thoại. Thứ ba, doanh nghiệp cần minh bạch hóa thông tin…" - ông Lợi chia sẻ.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Nữ Doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong quá trình đổi mới kinh tế theo đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế ngày càng được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo và bền vững.

Song song với việc phát triển và đi lên của các doanh nghiệp luôn có người bạn đồng hành là báo chí cách mạng. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là quan hệ tương hỗ, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi, vì mục đích chung là sự phát triển của đất nước.