Để đạt được những kết quả trên, các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp một phần không nhỏ, là cầu nối đưa chủ trương, chính sách, pháp luật lĩnh vực này đến với doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội, phản ánh nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngành BHXH.
Báo chí luôn “đi trước một bước”
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, trong năm 2017, các cơ quan thông tấn báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, báo chí đưa ra những cảnh báo về các cách thức gian lận trong trục lợi quỹ BHYT, trốn đóng BHXH cho người lao động..., mang lại hiệu ứng tích cực trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT. Đồng thời, nâng cao uy tín, khẳng định vị thế của BHXH Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Chia sẻ về vai trò của báo chí trong công tác giám sát thực hiện Luật BHXH, BHYT, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật.
Nhưng bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận về các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Báo chí phát hiện những bất cập cả trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo ông Đào Việt Ánh, trong năm qua, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp tuyên truyền thường xuyên với 70 đầu mối của 60 cơ quan truyền thông, báo chí ở trung ương, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đăng tải 7.000 chuyên mục, chuyên trang, tin, bài, chương trình, phóng sự đảm bảo kịp thời, chất lượng ngày càng tăng, góp phần quan trọng trong thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các cơ quan thông tấn báo chí đã chú trọng đến việc xây dựng các chuyên trang/chuyên mục cố định để tuyên truyền về BHXH, BHYT.
Có thể kể đến các chuyên mục về BHXH, BHYT, thời lượng từ 10 - 15 phút đều được phát cố định trên sóng truyền hình như: chuyên mục “Điểm tựa tương lai” trên Truyền hình Nhân dân; chuyên mục “Vì An sinh cuộc sống”, phát sóng trong chương trình thời sự đầu giờ lúc 20h00 thứ 3 hàng tuần trên Truyền hình Thông tấn; show truyền hình “Chuyến xe buýt kỳ thú” phát trên VTV2, VTV8...; các chuyên trang cố định trên báo in như: Chuyên trang “BHXH” trên Báo Lao động thứ 5 hàng tuần, Chuyên trang “An sinh và phát triển” trên báo Tiền phong, Thời báo Tài chính Việt Nam có chuyên trang BHXH trên trang 7...
Cũng theo ông Đào Việt Ánh, với những kết quả trên, năm 2017, công tác tuyên truyền nói chung, công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí nói riêng đã đi trước một bước, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi và toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến là số người tham gia BHYT đã tăng mạnh, đạt trên 86% dân số cả nước, tương ứng với trên 81 triệu người tham gia, vượt 4% so với chỉ tiêu Chính phủ giao…
Bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp với từng loại đối tượng
Mặc dù đạt được nhiều thành công trong vai trò cầu nối tuyên truyền, nhưng BHXH Việt Nam cũng chỉ ra rằng, việc truyền thông chính sách pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp qua báo chí đến các nhóm đối tượng đặc thù tuy đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao. Qua sự phản hồi của khán, thính giả cho thấy, nhận thức của một bộ phận người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, dân tộc thiểu số về chính sách BHXH, BHYT chưa được đầy đủ, nhất là BHXH tự nguyện. Các chương trình tuyên truyền đã có những hình thức mới (tiểu phẩm, show truyền hình thực tế...) song chủ yếu vẫn tập trung ở các chương trình chính luận, phổ biến kiến thức. Do đó, còn chưa thực sự hấp dẫn đối với bạn đọc, bạn nghe đài và bạn xem truyền hình....
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền để thực hiện mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT, BHXH toàn dân là tuyên truyền một cách sâu rộng những nội dung cơ bản nhất của Luật BHXH, Luật BHYT đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và trước hết tập trung nâng cao nhận thức của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quy định trong luật. Nội dung tuyên truyền được xác định phải tương thích với đối tượng cần tác động. Các nội dung này nên được xác định thống nhất với một sự chỉ đạo chung, nhất quán theo một kế hoạch tổng thể, khắc phục tính hình thức và dàn trải. Đồng thời, đổi mới hình thức tuyên truyền BHXH, BHYT bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng...
TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, qua thực tiễn giám sát về BHXH, BHYT, các kiến nghị giám sát luôn nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, BHXH. Do đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền sâu rộng, đổi mới mạnh mẽ cách thức và nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 21- NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020.
“ Nhiều bài báo, nhiều phóng sự... về BHXH, BHYT được đầu tư công phu, đã phát hiện kịp thời những khó khăn, trở ngại, những cách làm hay, điển hình tốt cũng như nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”. Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh |
Thảo Miên