lap

Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thông tin tại hội thảo. Ảnh: MĐ.

Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin như vậy tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống tệ nạn xã hội và định hướng công tác điều trị cai nghiện trong tình hình mới, sáng 31/5.

Theo ông Lập, thời gian vừa qua, tình hình người nghiện ma túy diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng cả về số lượng, tính chất và mức độ, đặc biệt có sự thay đổi về loại ma túy sử dụng với việc người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, gây khó khăn trong công tác tổ chức cai nghiện.

Tình trạng sử dụng dụng ma túy tổng hợp (ATS) có xu hướng gia tăng, chiếm khoảng từ 70 - 75% trong tổng số người nghiện ma túy, tỷ lệ này ở các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nam Bộ còn lên đến từ 90 - 95%. Với tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng như: vụ việc ở Điện Biên, Bình Dương trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây nên biểu hiện rối loạn tâm thần, loạn thần (khoảng 70%) có hành vi ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí mất kiểm soát gây ra các vụ án giết người vô cớ, gây bức xúc lo lắng trong nhân dân.

Liên quan đến công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai, ông Lập cho biết, tính đến tháng 4/2019, cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập, công suất theo thiết kế là 54.462 người, hiện đang điều trị, cai nghiện cho 38.441 người nghiện.

Dù vậy, lãnh đạo Cục PCTNXH cũng thừa nhận, công tác cai nghiện ma túy hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa tương thích với Luật Xử lý vi phạm hành chính như: chính sách quản lý sau cai, người nghiện ma túy từ đủ 12 đến 14 tuổi.

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự thống nhất về quan điểm đối với người nghiện ma túy. “Có quan điểm cho rằng cần phải đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án đổi mới công tác cai nghiện là hướng tới chủ yếu cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng” – ông Lập thông tin.

Bên cạnh đó, công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình còn gặp nhiều thách thức do người nghiện cũng như gia đình không tự khai báo và bất hợp tác với cơ quan chức năng…

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng chưa quan tâm bố trí kinh phí và cơ sở vật chất cho cai nghiện tại cộng đồng, để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn; các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi; không bố trí kinh phí cai nghiện tự nguyện, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm dẫn đến tỷ lệ người tái nghiện còn ở mức cao…/.

Mai Đan