Khắc phục lệch pha cung – cầu

Cho rằng đó là cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, ông Hà cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đóng băng” của thị trường chủ yếu là do thị trường bất động sản phát triển thiếu quy hoạch, chưa theo sát với nhu cầu thị trường dẫn đến lệch pha cung – cầu; cơ cấu hàng hóa mất cân đối; hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện; năng lực doanh nghiệp bất động sản hạn chế; công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập…

“Qua số liệu rà soát, bước đầu đã phân loại các dự án cần tạm ngừng, các dự án được tiếp tục triển khai và các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của thị trường”, ông Hà thông tin.

Bất động sản: Niềm tin vào thị trường đang dần hồi phục
Các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thời gian để có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Mạnh Hà

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến nay đã có 56 chủ đầu tư dự án đăng ký xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội với quy mô 34.533 căn hộ.

Hiện cũng đã có tới 22 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 5.917 căn hộ xin điều chỉnh thành 8.318 căn hộ.

“Cùng với việc Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 kể từ ngày 1/7/2013, Nghị quyết 02 của Chính phủ đã phần nào giúp thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng có những phản ứng tích cực, niềm tin vào thị trường đang dần hồi phục. Các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thời gian để có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả”, ông Hà nhấn mạnh.

Bừng tỉnh sau “giấc mộng” dài

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như chuyển mạnh sang phát triển nhà ở xã hội; chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành; bán hạ giá để cắt lỗ; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại. Thị trường bất động sản đã hướng tới người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, giá nhà đến nay đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá (giai đoạn 2008-2010), nhiều dự án giá đã giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu ấm dần lên.

Cụ thể như ở TP. Hà Nội các dự án nhà ở có giá bán dưới 15 triệu/m2 tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), dự án chung cư VP5 khu đô thị mới Linh Đàm (Hoàng Mai), dự án chung cư CT11 Kim Văn-Kim Lũ (Hoàng Mai), dự án Đại Thanh (Thanh Trì) hay như mới đây nhất, Sàn giao dịch Bất động sản VIC đã chào bán ba dự án ngoại thành Hà Nội, gồm: CT1B Tân Tây Đô, CT12 Văn Phú, Nam Xa La với mức giá ưu đãi 12-13 triệu/m2, trung bình mỗi căn hộ có giá khoảng từ 560 triệu đồng đến 980 triệu đồng.

Tại TP.Hồ Chí Minh có dự án Ehom4 của Công ty Nam Long sau khi mở bán được một tuần đã bán được 80%-100% các căn hộ. Sự kiện đầu tư Novaland và The EverRich 3 tuyên bố mức giảm giá gần 50% giá bán căn hộ và biệt thự, liền kề cũng đã bùng lên làn sóng giảm giá, tăng khuyến mại. Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng là một trong những phát súng đầu tiên khai màn cho làn sóng giảm giá, khi doanh nghiệp này giảm các dự án của mình tới 30 - 50%./.

Thái Hằng