Bình Dương: Điểm sáng phục hồi kinh tế sau đại dịch
Một góc trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. Ảnh: Gia Cư

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng mạnh

Tổng hợp thông tin về những kết quả đạt được về kinh tế 9 tháng của năm 2022 do Cục Thống kê Bình Dương vừa công bố cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,91% (kế hoạch năm tăng 8-8,3%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% (kế hoạch năm tăng 8,9%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 17,2% (kế hoạch năm tăng 10%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,9% (kế hoạch năm tăng 16%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, tăng 11,9% (kế hoạch năm tăng 14,5%); tổng thu ngân sách 9 tháng năm 2022 ước thực hiện 48.500 tỷ đồng, đạt 81% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, bằng 100% so với cùng kỳ.

Đánh giá về mức tăng trưởng của Bình Dương, nhiều chuyên gia cho rằng, địa phương từng là điểm nóng của đại dịch trong năm 2021 trong khu vực phía Nam, với đặc thù là nơi tập trung của cộng đồng doanh nghiệp và lao động “nhập cư”, sự ảnh hưởng, mức độ “ tàn phá” của dịch bệnh là rất lớn so với nhiều địa phương trong cả nước. Nhưng với kết quả đạt được trong 9 tháng qua lại càng chứng tỏ sự nỗ lực, phục hồi nhanh, mạnh và đều khắp trên mọi lĩnh vực.

Đánh giá của UBND tỉnh mới đây cũng khẳng định, hoạt động sản xuất công nghiệp của Bình Dương vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Điển hình là các ngành sản xuất như: dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…đã có sự chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt; mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác nhằm mở rộng sản xuất, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu bền vững.

Để tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ngay sau thời điểm dịch bệnh được khống chế, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói chính sách. Đặc biệt triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày ngày 30/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những điểm sáng của Bình Dương trong phát triển kinh tế là kết quả thu hút vốn đầu tư trong nước, nước ngoài trong 9 tháng qua.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2022, số doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh mới là 4.815 doanh nghiệp (tăng 27,1% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký 30.673,5 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ). Lũy kế đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh có 58.455 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số 596.706,8 tỷ đồng vốn.

Từ đầu năm đến ngày 15/9/2022, số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký kinh doanh, điều chỉnh vốn tại Bình Dương là 202 doanh nghiệp, với tổng số vốn 2.618,8 triệu USD (tăng 73,7% so với cùng kỳ). Trong đó, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới là 54 dự án (tăng 22,7% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký là 1.866,8 triệu USD, tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ và 14 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 17,6 triệu USD. Kết quả này tiếp tục duy trì mức hạng của Bình Dương lên vị trí thứ 2 của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài sau TP.Hồ Chí Minh.

Dự báo đà khởi sắc thông qua các hiệp định thương mại

Nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương từ nay đến cuối năm 2022 đang tiếp tục đà khởi sắc. Đà khởi sắc và tăng trưởng của doanh nghiệp cũng đang mở ra kỳ vọng tăng thu ngân sách cho địa phương đạt và vượt chỉ tiêu, dự toán đề ra.

Các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành xây dựng, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe gắn máy và xe có động cơ khác, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống… dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm.

Bình Dương: Điểm sáng phục hồi kinh tế sau đại dịch
Khu công nghiệp Vsip 1 tỉnh Bình Dương. Ảnh: Gia Cư

Qua khảo sát mới đây tại 413 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy, có 95,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2022 ổn định và tốt hơn quý III/2022; trong đó có 58,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đã tác động tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng ở thị trường các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Úc.

Theo đó, các ngành sản xuất, chế biến gỗ dệt may, giày da của tỉnh Bình Dương đang tiếp tục chiếm giá trị xuất khẩu lớn nhất của cả tỉnh. Các doanh nghiệp hiện đang chủ động tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhờ đó sản phẩm gỗ của Bình Dương được xuất khẩu sang nhiều thị trường, có lợi thế cạnh tranh.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký kết và thực thi sớm cũng giúp ngành dệt may, da giày của tỉnh được hưởng lợi thế cạnh tranh tại một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm./.

Bình Dương không ngừng đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hỗ trợ về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới, góp phần đưa hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc.