Đường được sản xuất gia công từ nguồn đường thô nhập khẩu của HAGL dự kiến khoảng 30.000 tấn trong năm 2013 - 2014. Ảnh minh họa.

Bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, trong bối cảnh mặt hàng đường tồn kho trong nước khá lớn như hiện nay, thì đề xuất của VSSA là hoàn toàn hợp lý. Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho việc xuất khẩu đường, Bộ Công thương đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).

Cũng theo bà Hương, theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ phải có sự chấp thuận của Bộ Công thương. Còn đối với các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế thì doanh nghiệp có thể trực tiếp làm thủ tục tại các cơ quan Hải quan theo quy định mà không cần phải xin phép Bộ Công thương.

Để tạo điều kiện cho việc xuất khẩu đường, giải phóng lượng đường tồn kho, Bộ Công thương đang khẩn trương lấy ý kiến của các Bộ ngành về việc cho phép xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược, sau đó sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.

“Nhằm nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, giải phóng hàng tồn kho, Bộ Công thương đang đề xuất phương án cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược giống như đang áp dụng với các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế”, bà Hương nói.

Về việc Cty CP Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu đường thô (cũng qua cửa khẩu Bản Vược) để cung cấp cho Cty CP đường Biên Hòa, Bộ Công thương cho rằng, việc nhập khẩu đường thô để chế biến đường tinh luyện của Cty CP đường Biên Hòa không ảnh hưởng gì đến việc tiêu thụ mía đường cho nông dân, và cũng không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu mặt hàng đường trong nước.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, việc nhập khẩu đường thô của Cty CP Hoàng Anh Gia Lai được giám sát chặt chẽ, nên không có chuyện thẩm lậu vào nội địa.

“Việc nhập khẩu đường thô để sản xuất, gia công của nhà máy đường trong nước có sự giám sát chặt chẽ của các Bộ ngành, cơ quan Hải quan, UBND tỉnh Lào Cai. Do đó, lượng đường thô nhập khẩu để tinh luyện không để thẩm lậu vào thị trường nội địa, ảnh hưởng đến cung cầu thị trường trong nước”, bà Hương cho hay.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, hiện Cty CP Hoàng Anh Gia Lai đang được Bộ Công thương cho phép nhập khẩu đường nguyên liệu từ cửa khẩu Bản Vược (vì DN này đang sản xuất đường nguyên liệu tại tỉnh Át-ta-pư của Lào) với số lượng nhập khẩu trong năm 2013 - 2014 ước khoảng 30 nghìn tấn./.

Nhật Minh