Tập trung cải cách thể chế tài chính

Theo đó, trong quý I/2023, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 109/150 nhiệm vụ theo kế hoạch, trong đó, đã hoàn thành 19 nhiệm vụ, triển khai 60 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 30 nhiệm vụ theo kế hoạch.

Công tác cải cách thể chế tài chính và những nỗ lực trong quá trình triển khai thực hiện với các giải pháp cụ thể, đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/3/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 18 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 25 thông tư, trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước.

Thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 (ban hành kèm theo Quyết định số 2731/QĐ-BTC ngày 23/12/2022), tính đến ngày 28/3/2023, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 109/150 nhiệm vụ (trong đó đã hoàn thành 19 nhiệm vụ, triển khai 60 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 30 nhiệm vụ theo kế hoạch).

Nguồn: Bộ Tài chính    		   							   Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã tích cực cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC). Đến nay, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 800 thủ tục, trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 230 TTHC; lĩnh vực kho bạc nhà nước là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ nhà nước là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 213 TTHC.

Bộ Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý, điều hành ngân sách và tài chính. Xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó: có 359 DVCTT toàn trình, đạt tỷ lệ gần 45,3% và 433 DVCTT một phần. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 296 DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cải cách theo hướng hiện đại, tinh gọn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, góp phần công khai, minh bạch, quản lý chặt chẽ các khoản thu ngân sách. Theo đó, luôn xác định công tác cải cách hành chính, trong đó có đẩy mạnh cải cách TTHC là một trong những giải pháp trọng tâm hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu của ngành trong năm 2023. Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại, tinh gọn.

Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính

Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Tài chính.

Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện gắn với việc phát triển chính phủ điện tử và quá trình chuyển đổi số để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Tài chính vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan bộ ổn định và đảm bảo hiệu quả. Nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong quý I/2023, Bộ phận một cửa Bộ Tài chính đã thực hiện số 366 hóa hồ sơ và kết quả 272 hồ sơ đã giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc bộ (đạt tỷ lệ 100%). Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC nhằm hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bộ Tài chính. Qua đó, hệ thống giúp nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện TTHC, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính phủ điện tử, hướng đến chính phủ số.

Giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp là mục đích cao nhất

Trong lĩnh vực thuế, đã triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử tại 100% cục thuế và chi cục thuế địa phương. Đến nay, đã có 99,93% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99,09% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử và 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử; hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh. Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài, cổng thông tin thương mại điện tử kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động. Điều này đã góp phần xây dựng một xã hội số minh bạch, thuận tiện và giảm thời gian, chi phí giúp cho công tác quản lý thuế ngày một hiệu quả hơn.

Lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh.

Việc quản lý, vận hành Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) tập trung của ngành Hải quan luôn ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa. Cụ thể: hơn 99% doanh nghiệp tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc tham gia hệ thống VNACCS/VCIS; 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 250 TTHC được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 55 nghìn doanh nghiệp tham gia; trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử với 9 nước ASEAN.

Trong lĩnh vực kho bạc, 100% TTHC toàn trình lĩnh vực kho bạc đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên TABMIS.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm yêu cầu, chất lượng, kịp thời tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu cao, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp. Nhiều giải pháp cải cách toàn diện được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu trên...

Đối với nhiệm vụ về cải cách TTHC, Bộ Tài chính ưu tiên thực hiện các quy định về kiểm soát TTHC, thực hiện đánh giá tác động của TTHC ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản; thẩm định, thẩm tra chặt chẽ việc quy định TTHC từ khâu dự thảo văn bản. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, chồng chéo.