Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2018 do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 5/7, tại Hà Nội.

Bộ Tài chính thuộc nhóm xếp hạng cao nhất

Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, báo cáo xếp hạng phát triển CPĐT là báo cáo thường niên do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện.

Có 6 nhóm tiêu chí dùng để đánh giá phát triển CPĐT ở cấp bộ và cơ quan ngang bộ gồm: hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT); ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; trang/cổng thông tin điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT; nhân lực cho ứng dụng CNTT.

Dựa trên 6 nhóm tiêu chí đánh giá trên, theo kết quả xếp hạng về chỉ số tổng hợp mức độ phát triển CPĐT của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2017, Bộ Tài chính đứng đầu bảng xếp hạng này.

Cụ thể, điểm số về chỉ số tổng hợp mức độ phát triển CPĐT của Bộ Tài chính đạt 0,7/1 điểm (thuộc mức độ khá – tức trong khung điểm từ 0,65 đến 0,8 điểm). Tiếp theo sau là một số bộ như Bộ Khoa học và Công nghệ (đạt 0,692/1 điểm), Bộ Tư pháp (đạt 0,678/1 điểm), Bộ Nội vụ (đạt 0,663/1 điểm), Bộ Tài Nguyên và Môi trường (đạt 0,652/1 điểm)…

Cũng theo bảng xếp hạng được công bố, nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ có xếp hạng thấp nhất gồm Bộ Giao thông vận tải (đạt 0,57/1 điểm), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đạt 0,546/1 điểm), Bộ Công thương (đạt 0,505/1 điểm), Ủy ban Dân tộc (đạt 0,459/1 điểm), Thanh tra Chính phủ (đạt 0,41/1 điểm)…

chính phủ điện tử

Báo cáo xếp hạng phát triển chính phủ điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2017 được chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thiện Trần

Bên cạnh đó, cũng trong báo cáo xếp hạng phát triển CPĐT, đã thực hiện xếp hạng ứng dụng CPĐT của các cơ quan thuộc Chính phủ. Theo đó, theo kết quả về chỉ số tổng hợp mức độ phát triển CPĐT của các cơ quan thuộc Chính phủ năm 2017, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng này. Tiếp theo sau là một số đơn vị như Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam…

Đặc biệt, cũng theo kết quả được đưa ra trong báo cáo, tỷ lệ giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đúng hạn của BHXH Việt Nam đạt mức khá cao. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết 4.781.380 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 4.700.657 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,31% tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn.

Nhiều lợi ích của ứng dụng CNTT

Bà Lê Thanh Hà – Trưởng phòng, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, việc ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan nhà nước đem đến rất nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp (DN), đồng thời góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN Việt Nam.

Cụ thể, cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT tốt, có thể giúp giảm thời gian thực hiện TTHC cho DN. Theo đó, nếu bộ phận một cửa ứng dụng CNTT tốt thì tỷ lệ DN không phải đi lại nhiều lần thực hiện TTHC có thể đạt trên 50%, trong đó, đối với bộ phận DN lớn, tỷ lệ này có thể đạt đến 80%.

Lợi ích trên thể hiện rõ nhất trong việc đăng ký thành lập DN và trong việc thực hiện TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai. Chẳng hạn như đối với việc đăng ký thành lập DN, nếu bộ phận một cửa ứng dụng CNTT chưa tốt thì thời gian đăng ký thành lập DN có thể lên đến gần 16 ngày. Ngược lại, nếu bộ phận một cửa ứng dụng CNTT tốt thì thời gian đăng ký thành lập DN sẽ giảm xuống còn khoảng 6 ngày.

Đối với việc thực hiện TTHC đất đai, nếu bộ phận một cửa ứng dụng CNTT chưa tốt thì tỷ lệ DN gặp khó khăn khi thực hiện TTHC đất đai lên đến hơn 60%. Trong khi đó, nếu bộ phận một cửa ứng dụng CNTT tốt thì tỷ lệ này giảm xuống khoảng 45%...

Ngoài ra, cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT tốt có thể giúp làm giảm cơ hội nảy sinh tiêu cực như giảm hiện tượng nhũng nhiễu, giảm tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức… Mặt khác, cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT tốt sẽ góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền tích cực hơn, tăng niềm tin của DN vào hệ thống pháp luật…

Với nhiều lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC như trên, theo ông Nguyễn Quang Đồng, các cơ quan nhà nước cần tăng cường các giải pháp để nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.

Cụ thể như thiết kế cổng dịch vụ công trực tuyến thuận lợi nhất cho người dân, DN theo hướng chuẩn hóa giao diện. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, năng lực CNTT của cán bộ, nhân viên trong các cơ quan nhà nước, nhất là nhân viên làm việc ở bộ phận một cửa, dịch vụ công trực tuyến… Đặc biệt, cần tăng số lượng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN…./.

Diệu Thiện