Doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp ngân sách tăng trưởng qua các năm

Chiều ngày 29/2, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023-2024. ⁰Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Tham dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường; Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tư vấn thuế và đại diện một số cục thuế các tỉnh, thành phố.

Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TN

Về phía Hàn Quốc có ông Choi YoungSam - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Kim Hyong Mo - Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Lee Hee Sang - Chủ tịch cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương; ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc và gần 250 đại biểu các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư từ Hàn Quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2023 vừa qua, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ. Khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với dự báo, đã ảnh hưởng tiêu cực đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tình hình sản xuất kinh doanh của DN đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn, chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng.

Hàn Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang đầu tư vào Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh này, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng DN, trong đó có các DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam vẫn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Nền kinh tế duy trì xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tích cực hơn tháng trước, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát theo đúng mục tiêu (CPI bình quân tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, quy mô GDP đạt khoảng 430 tỷ USD (GDP của nước ta năm 2023 có xu hướng tăng qua từng quý).

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, vượt 8,1% so dự toán, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trải qua hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2024), Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khó lường và phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; rủi ro tài chính, tiền tệ trên toàn cầu có xu hướng gia tăng nhưng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vẫn được duy trì bền vững và ngày càng được tăng cường, thúc đẩy cả về số lượng và chất lượng.

Thông tin về đóng góp NSNN, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trong 5 năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn của dịch Covid-19 và những bất lợi của nền kinh tế thế giới nhưng đóng góp vào số thu NSNN của cả nước từ các DN Hàn Quốc đóng góp luôn tăng qua các năm và tổng thu nội địa từ các DN Hàn Quốc chiếm 11% tổng thu ngân sách của các DN FDI và chiếm 3% tổng thu NSNN.

Nhiều giải pháp lớn về thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển

Với tinh thần, nỗ lực luôn đồng hành, hỗ trợ DN và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trong và ngoài nước gặp nhiều biến động, hàng năm, Bộ Tài chính đã thực hiện tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên cả nước gửi đến. Các văn bản liên quan đến các vấn đề phát sinh toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Hàn Quốc đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có một số vấn đề nổi cộm như: hoàn thuế GTGT, vướng mắc liên quan đến thủ tục, hóa đơn chứng từ về thuế tại khu chế xuất, về ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập DN (TNDN), xuất nhập khẩu, về chi phí khi tính thuế TNDN,…

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, kể từ Hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tổng hợp 22 nội dung vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và đã có giải đáp cụ thể cho các DN. Một số nội dung vướng mắc cụ thể của DN Hàn Quốc hỏi tại hội nghị trên mà DN còn chưa rõ, Bộ Tài chính đã đề nghị DN Hàn Quốc có vướng mắc gửi bổ sung tài liệu gửi Bộ Tài chính để tập hợp và xử lý cụ thể.

Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển
Đoàn chủ tọa giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: TN

Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng VCCI tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng DN hiện đang có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó bao gồm một số lượng không nhỏ các DN Hàn Quốc tham gia. Qua đó, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời nắm bắt, hỗ trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn gây ảnh hưởng đến hoạt động của các DN; lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của DN nhằm đảm bảo quyền lợi cho DN, tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN hoàn thành thủ tục về thuế và hải quan đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, việc thực hiện các giải pháp nêu trên đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng DN và người dân và đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Cùng với đó, trong thời gian qua, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, DN nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, tập trung vào các giải pháp về gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế (TTĐB) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, những kết quả tích cực đạt được, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng các DN Hàn Quốc đã nỗ lực cùng quyết tâm cao trong việc hưởng ứng, thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. "Bộ Tài chính Việt Nam xin trân trọng cảm ơn những đóng góp, nỗ lực của cộng đồng DN Hàn Quốc về những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua" - Thứ trưởng nhấn mạnh./.