Trốn thuế hàng chục tỷ đồng

Quyết liệt triển khai chuyên đề kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hạt điều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan với số lượng lớn, ngay từ những tháng đầu năm 2021, nắm bắt sự bất thường trong việc nhập khẩu hạt điều nguyên liệu, ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung làm rõ các dấu hiệu.

Trước tính chất cấp bách, sự ảnh hưởng lớn từ sự việc, xác định các hành vi gian lận trong nhập khẩu hạt điều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước, uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam và gây thất thu ngân sách, Tổng cục Hải quan quan đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai chuyên đề kiểm tra để làm rõ những nghi vấn, những dấu hiệu bất thường về hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều. Trong đó, cơ quan hải quan đã ban hành 20 quyết định kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm tại tỉnh Bình Phước - “thủ phủ” về trồng, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam.

Chuyên đề “Kiểm tra sau thông quan để làm rõ và xử lý những dấu hiệu bất thường trong xuất nhập khẩu hạt điều” là sự kiện có ảnh hưởng lớn được thực hiện kịp thời, khẳng định nỗ lực thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng không để doanh nghiệp lợi dụng để vi phạm pháp luật. Chuyên đề được thực hiện trên diện rộng, có tính chất ngăn chặn, răn đe đối với các hành vi sai phạm, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính; giữ vững uy tín thương hiệu Việt Nam của một ngành hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Thời gian gần đây, lực lượng điều tra chống buôn lậu của ngành Hải quan lại phát hiện một số vi phạm tương tự. Các đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục nhập khẩu và thuế đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sản xuất hạt điều đã tiến hành nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu (loại hình E31). Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, có trường hợp không đưa vào sản xuất hoặc chỉ đem một phần nguyên liệu vào sản xuất để tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Số nguyên liệu còn lại được đem bán vào thị trường nội địa mà không làm thủ tục hải quan, không chuyển mục đích sử dụng theo quy định, nhằm hưởng lợi từ sự chênh lệch về thuế và chính sách mặt hàng. Đáng chú ý là hoạt động nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô chiếm tỷ trọng rất lớn.

Quá trình thu thập thông tin, tài liệu, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã tiến hành điều tra, xác minh 3 vụ việc liên quan đến hoạt động chuyển tiêu thụ nội địa hạt điều nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu không làm thủ tục hải quan; đã khởi tố vụ án hình sự 2 vụ việc về tội buôn lậu.

Theo thông tin mới nhất, 2 vụ việc đã được khởi tố hình sự liên quan đến Công ty TNHH thương mại sản xuất dịch vụ Đại Tài (năm 2018) và Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản Thái Bình (năm 2019).

Từ ngày 19/7/2017 đến 25/9/2017, Công ty Đại Tài mở 5 tờ khai nhập khẩu 582,880 tấn hạt điều thô nguyên liệu sản xuất xuất khẩu (loại hình E31), trị giá hàng hóa gần 41,8 tỷ đồng, được miễn số tiền thuế nhập khẩu (5%) hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) không đưa vào sản xuất để xuất khẩu sản phẩm mà chuyển tiêu thụ nội địa toàn bộ số nguyên liệu đã nhập nêu trên.

Công ty Thái Bình mở tổng cộng 70 tờ khai nhập khẩu loại hình E31, nhập khẩu hơn 11.072 tấn hạt điều chưa bóc vỏ, tổng trị giá hơn 440 tỷ đồng từ các nước châu Phi. Sau đó, doanh nghiệp chỉ mở 2 tờ khai xuất khẩu loại hình E62, xuất khẩu hơn 20 tấn nhân hạt điều (tương đương hơn 100 tấn điều thô được đưa vào sản xuất), tổng trị giá hơn 4,7 tỷ đồng. Công ty chuyển tiêu thụ nội địa hơn 10.970 tấn hạt điều thô, trị giá 436 tỷ đồng, số tiền thuế chiếm dụng khoảng 21,8 tỷ đồng.

Ngoài 2 vụ việc trên, Tổng cục Hải quan đang điều tra, xác minh hoạt động chuyển tiêu thụ nội địa nguyên liệu sản xuất xuất khẩu của một doanh nghiệp khác có thủ đoạn tương tự, trốn thuế hơn 28 tỷ đồng.

Vừa phòng, vừa đe

Từ kết quả đấu tranh thời gian vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu cho rằng, thực tế hoạt động nhập khẩu nguyên liệu hạt điều theo loại hình E31 đang và sẽ tiềm ẩn rất nhiều vấn đề rủi ro trong công tác quản lý.

Việc tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, trốn thuế, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất hạt điều chân chính, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, làm tổn hại đến thị trường tiêu dùng trong nước, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và tác động xấu đến đời sống của người nông dân trồng điều...

Làm rõ hàng loạt vụ gian lận thuế

Kết quả sau 1 năm đấu tranh, Tổng cục Hải quan đã có kết luận kiểm tra đối với 18/18 vụ việc đã thực hiện kiểm tra sau thông quan. Trong đó: 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều xuất khẩu (xuất xứ thuần tuý Việt Nam); 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa chuyển công an tiếp tục làm rõ; 1 doanh nghiệp trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã giao cho các cục hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp. Đồng thời, Tổng cục Hải quan chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các cục hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.

Một số phương thức, thủ đoạn vi phạm phổ biến như tạo niềm tin, đảm bảo đủ điều kiện để được chấp thuận nhập khẩu loại hình. Sau đó, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô, đưa vào chế biến và thực hiện xuất khẩu một số lô hàng với lượng nhỏ. Tiếp đó, doanh nghiệp nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu trong thời gian ngắn và bán ngay vào thị trường nội địa sau khi được thông quan, hưởng lợi từ việc trốn thuế và chuyển địa điểm cư trú, nhà máy sản xuất hoặc giải thể doanh nghiệp…

Trước thực trạng lợi dụng loại hình nhập khẩu E31 để buôn lậu, sau khi khởi tố 2 vụ việc nêu trên, để đảm bảo kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều làm nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, tránh việc lợi dụng để bán tiêu thụ nội địa, Tổng cục Hải quan đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai các giải pháp “vừa phòng vừa đe”. Cụ thể là ban hành văn bản cảnh báo và hướng dẫn nghiệp vụ tới các cục hải quan địa phương, trong đó nhấn mạnh về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng. Đồng thời, tổng cục yêu cầu các đơn vị rà soát và xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật.

Xuất khẩu hạt điều giảm mạnh

Kim ngạch và lượng xuất khẩu hạt điều đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan.

Tính chung từ đầu năm đến 15/2, cả nước xuất khẩu được 47.724 tấn hạt điều, kim ngạch đạt 283,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng giảm 18,24%, kim ngạch giảm 17,5%.

Từ tình hình thực tế và yêu cầu của sự phát triển, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) sẽ xúc tiến xây dựng để kiến nghị với Chính phủ “Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó, đề xuất những cơ chế chính sách của nhà nước nhằm 2 mục tiêu lớn: phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới, giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu và phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách tam nông của Nhà nước.