Chính sách về tiếp cận thị trường đã thay đổi từ ngày 1/1/2021

Tại sự kiện công bố Sách trắng mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các doanh nghiệp châu Âu có kiến nghị một số vấn đề liên quan tới điều kiện kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài và hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, các nhà đầu tư châu Âu kiến nghị tiếp tục cắt giảm số lượng các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, quán triệt rõ ràng và minh bạch cho cơ quan cấp phép địa phương rằng các nhà đầu tư nước ngoài có quyền hợp pháp để đầu tư dưới hình thức 100% sở hữu nước ngoài trong bất kỳ lĩnh vực nào không nằm trong giới hạn sở hữu nước ngoài được quy định cụ thể trong luật.

Các nhà đầu tư tiếp cận thị trường theo nguyên tắc danh danh mục chọn bỏ
Các nhà đầu tư ngoại hiện vẫn chưa bị hạn chế tỷ lệ sở hữu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa

Phản hồi kiến nghị này, ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, chính sách về tiếp cận thị trường với nhà đầu tư của Việt Nam đã thay đổi từ ngày 1/1/2021 theo nguyên tắc danh mục chọn bỏ.

Theo đó, Việt Nam công bố cụ thể tất cả những danh mục lĩnh vực ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận có điều kiện. Trên cơ sở đó, tất cả những lĩnh vực ngành nghề nằm ngoài 2 danh mục này thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước, bao gồm cả tỷ lệ sở hữu.

“Chúng tôi khẳng định lại, ngoài danh mục lĩnh vực hạn chế tiếp cận thị trường thì tất cả những ngành nghề lĩnh vực khác, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận như nhà đầu tư trong nước. Chúng tôi sẽ có những văn bản hướng dẫn và tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ địa phương nắm bắt được và thực hiện được một cách trôi chảy, thống nhất không có vướng mắc trong những quy định mới” – ông Sử nhấn mạnh.

Xung quanh việc các doanh nghiệp Hà Lan quan tâm đến các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam nhưng còn đang có nhiều thắc mắc trong vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại, ông Sử cho biết, ngành điện gió ngoài khơi nằm trong danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, mặc dù điện gió ngoài khơi nằm trong danh mục đầu tư có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài nhưng hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, trong lĩnh vực này, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và châu Âu nói riêng vẫn được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước. Tức là không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu, vẫn là tối đa 100%, cho đến chừng nào Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội ban hành các văn bản ở tầm nghị định trở lên quy định hạn chế tỷ lệ thì nhà đầu tư nước ngoài mới bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu.

Thông tin về dự án PPP hoàn toàn công khai, minh bạch

Về vấn đề PPP, các nhà đầu tư châu Âu kiến nghị công bố thông qua một quy trình tập trung danh mục các dự án trọng điểm quốc gia và khu vực. Đặc biệt là trong các lĩnh vực có kết quả đánh giá tốt ở các quốc gia khác, với các mô hình dự án phổ biến và được săn đón nhiều bởi các nhà đầu tư nước ngoài như: vận tải, năng lượng với định hướng ưu tiên dự án có tính khả thi về mặt kinh tế khi dự án được chọn triển khai dưới hình thức PPP. Bên cạnh đó, làm rõ quy trình đấu thầu đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất và quy trình chuyển đổi các dự án vốn Nhà nước sang hình thức PPP…

Liên quan tới các danh mục công bố dự án đầu tư theo hình thức PPP, ông Sử phản hồi: “Chúng tôi khẳng định lại một lần nữa, với những dự án này, chúng tôi không có những mong muốn hay những hành xử gì bí mật về thông tin dẫn tới các nhà đầu tư nước ngoài không tiếp cận được thông tin, khó tiếp cận được dự án”.

Ông Sử cho biết, toàn bộ những quy định này được thể hiện ở Luật PPP và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo đó, tất cả các dự án do các cơ quan nhà nước Việt Nam ở bất kỳ nước nào khác theo hình thức PPP thì đều phải được công khai trên Cổng thông tin đấu thầu quốc gia và trang thông tin điện tử của cơ quan đó. Các doanh nghiệp châu Âu quan tâm tới các dự án hoàn toàn có thể tiếp cận được thông tin trên 2 nguồn chính thống này một cách công khai, minh bạch.

Về lĩnh vực giao thông mà các nhà đầu tư châu Âu đang quan tâm, ông Sử thông tin, các dự án trọng điểm quốc gia hiện nay đã có một loạt các dự án được phê duyệt theo phương thức PPP. Trong đó phải kể đến dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 ở Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Tất cả những thông tin này cũng sẽ được cấp trực tiếp qua Ban Thư ký EuroCham để tất cả những doanh nghiệp quan tâm có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng.