Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo Sẽ tiếp tục có nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh Thể hiện quyết tâm cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp của Bộ Tài chính

Cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam, hội nghị đã giới thiệu những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 02, nhấn mạnh vào việc dỡ bỏ rào cản với hoạt động đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với nỗ lực cải cách của các bộ, ngành và địa phương, thời gian qua vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 có xu hướng chững lại do tác động của đại dịch Covid-19. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).

Hội nghị diễn ra ngày 3/3
Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, diễn ra ngày 3/3.

Vì vậy, nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết số 02/NQ-CP vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.

Nghị quyết 02: Thiết kế mục tiêu, giải pháp cho cả nhiệm kỳ

Giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết 02, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM - cho biết, là năm đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022. Những năm tiếp theo, Nghị quyết xây dựng với các giải pháp cụ thể hơn, phù hợp với các trọng tâm ưu tiên của từng năm.

8 xếp hạng quốc tế được lựa chọn xác định là mục tiêu chính đến năm 2025 theo Nghị quyết 02 là: Phát triển bền vững (của UN, mục tiêu top 40); Chính phủ điện tử (của UN, mục tiêu top 60); Năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF, mục tiêu top 50); Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO, mục tiêu top 40); Quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản, mục tiêu top 60); Hiệu quả logistics (của WB, mục tiêu tăng 4 bậc); Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF, mục tiêu top 50); An toàn an ninh mạng (của ITU, mục tiêu tăng 3 bậc).

Để thực hiện các mục tiêu này, 10 nhóm giải pháp trọng tâm được xác định là: Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách đăng ký kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững.

Đồng thời, tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước.

Tư duy thực hiện cải cách phải thay đổi

Bàn về những thách thức của quá trình cải cách tới đây, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh quá trình cải cách sẽ ngày càng khó khăn hơn khi những mục tiêu còn lại sau nhiều năm cải cách thì đều là những mục tiêu cam go nhất, nhiều trở ngại nhất. Tới đây, các cải cách không chỉ nằm trong phạm vi một bộ, ngành nữa mà đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, liên ngành giữa các cơ quan mới có thể thực hiện được. Trong khi đó, thế giới cũng đang nỗ lực cạnh tranh để nâng cấp môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Do đó, các mục tiêu sắp tới của Nghị quyết 02 sẽ là những thách thức rất lớn.

Tuy vậy, ông Phan Đức Hiếu cũng khẳng định cơ hội thành công là không nhỏ khi chúng ta đã có cam kết mạnh mẽ từ các cơ quan cao nhất. Cùng với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng đang có sự chuyển động tích cực, sẵn sàng để cùng thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh. Trong thời gian tới, vấn đề vị đại biểu Quốc hội quan tâm là việc tổ chức thực thi chính ra sao bởi đây là yếu tố trọng tâm quyết định. “Trước tiên, tư duy thực hiện cải cách phải thay đổi, luôn phải đặt ra câu hỏi chúng ta có thể làm tốt hơn không”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Cùng quan điểm về sự phối hợp liên ngành trong quá trình cải cách, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI khẳng định nếu chỉ cải cách được trong một lĩnh vực, một ngành, thì sẽ không có giá trị nhiều như mong muốn mà đến giai đoạn này, các cải cách phải mang tính liên ngành, đồng bộ, kết nối.

“Chẳng hạn, trong lĩnh vực thông quan xuất nhập khẩu cần có cải cách mạnh mẽ mang tính liên ngành. Hiện chúng tôi được biết Bộ Tài chính, cơ quan hải quan đang trình cơ chế quản lý mới để rút ngắn thời gian, giảm thiểu thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự phản ứng của nhiều bộ, ngành liên quan rất mạnh mẽ nên việc ban hành văn bản mới rất khó khăn. Cần phải làm sao có cơ chế thoát ra được lợi ích của từng ngành, từng lĩnh vực, để có sự phối hợp liên ngành vì lợi ích quốc gia”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh./.