Dần hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thời gian qua, công tác quản lý trị giá hải quan đã được Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo Tổng cục Hải quan tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả. Với tư cách là thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2007, Hải quan Việt Nam đã triển khai thực hiện đầy đủ Hiệp định thực thi Điều VII của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT/WTO (gọi tắt là Hiệp định Xác định trị giá GATT). Qua các thời kỳ, Tổng cục Hải quan đã có những đề án cải cách công tác quản lý trị giá để dần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống thực thi quản lý trị giá và nâng cao năng lực cho cán bộ công chức chuyên sâu lĩnh vực trị giá hải quan.

Trên cơ sở các đề án cải cách, Hải quan Việt Nam đã có hàng loạt hoạt động như: sửa đổi văn bản pháp luật về kiểm tra trị giá hải quan trong thông quan; ban hành các quy trình nghiệp vụ kiểm tra trị giá hải quan trong thông quan, quy chế xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu trị giá hải quan; thành lập và đào tạo nhóm chuyên gia về trị giá hải quan tại các cục hải quan tỉnh, thành phố… Thông qua công tác quản lý trị giá hải quan, cơ quan hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra, góp phần từng bước ngăn chặn các hiện tượng gian lận thương mại, chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Công tác quản lý trị giá hải quan cần được cải cách để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ảnh: Tuấn  Kiệt
Công tác quản lý trị giá hải quan cần được cải cách để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ảnh: Tuấn Kiệt

Tuy nhiên, do lĩnh vực giá là một lĩnh vực có nhiều biến động, có tính linh hoạt rất cao, bên cạnh đó áp lực công việc của công chức hải quan về kiểm tra trị giá hải quan đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phục vụ của cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp. Do đó, Tổng cục Hải quan cần có những động thái mới, một mặt nâng cao hiệu quả quản lý, mặt khác tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp (DN). Vì vậy, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan nghiên cứu để ban hành và triển khai thực hiện Đề án trong khuôn khổ thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt để xử lý rốt ráo những vấn đề còn bất cập và có giải pháp dài hơi, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại, hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới.

Mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Giữa tháng 2/2023, Đề án cải cách công tác quản lý trị giá hải quan đến năm 2023 đã chính thức được Tổng cục Hải quan ban hành nhằm xác định lộ trình để sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp đảm bảo hiệu quả quản lý trị giá hải quan trong tương quan với mô hình hải quan thông minh, hải quan số theo Đề án Tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể ngành Hải quan và Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Qua đó xây dựng mô hình quản lý trị giá hải quan khép kín từ khâu trước, trong và sau thông quan; tăng cường phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan. Đề án trị giá cũng là cơ sở để kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực của cán bộ công chức làm công tác quản lý trị giá hải quan theo định hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, tập trung và thống nhất.

Ngoài ra, Đề án trị giá hướng đến mục tiêu xây dựng và vận hành có hiệu quả cơ chế trao đổi, thu thập thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về trị giá hải quan đầy đủ, có độ tin cậy cao; nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, công nghệ số hóa và bigdata vào công tác quản lý trị giá hải quan.

Theo ông Trần Bằng Toàn - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), việc Đề án được phê duyệt và đi vào thực hiện sẽ mang lại những lợi ích rất rõ rệt cho chính cộng đồng DN.

Sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành về trị giá hải quan

Đề án sẽ cải cách toàn diện công tác quản lý trị giá hải quan và triển khai các hoạt động hỗ trợ cải cách công tác quản lý trị giá hải quan từ khâu xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành về trị giá hải quan; xây dựng cơ sở dữ liệu về trị giá; kết nối trao đổi thông tin; tổ chức thực hiện công tác quản lý giá.

Trước tiên, theo ông Toàn, là giảm bớt việc kiểm tra trị giá hải quan trong thông quan, giúp đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa. Theo chuẩn mực quốc tế thì DN là người xác định và kê khai trị giá hải quan, cơ quan hải quan chỉ thực hiện biện pháp kiểm tra sơ bộ trong giai đoạn thông quan. Hầu hết việc kiểm tra trị giá hải quan sẽ được thực hiện sau thông quan. Điều này giúp DN tiết kiệm chi phí thông quan, gia tăng lợi nhuận trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, Đề án sẽ loại bỏ việc áp đặt xác định trị giá hải quan cho DN. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện theo cách nếu cơ quan hải quan bác bỏ trị giá hải quan do DN kê khai, thì cơ quan hải quan sẽ tự xác định trị giá hải quan, ấn định thuế và xử lý vi phạm hành chính đối với DN. Sau khi triển khai Đề án, cơ quan hải quan sẽ chỉ thực hiện xác định trị giá hải quan khi kiểm tra sau thông quan tại DN, còn trong thông quan, việc xác định trị giá hải quan là trách nhiệm và quyền lợi của DN, công chức hải quan không làm thay nữa. Khi đó, DN sẽ được nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo đúng số tiền thuế mà DN phải nộp.

Cũng theo ông Toàn, cơ quan hải quan sẽ thiết lập cơ chế để DN có thể tham vấn chính thức với cơ quan hải quan trước khi kê khai trị giá hải quan. Thông qua cơ chế này, DN được công chức hải quan trực tiếp hướng dẫn cách xác định trị giá hải quan cho hàng hóa, từ đó kê khai đúng trị giá hải quan, giảm thiểu việc kiểm tra trong thông quan, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa.