Nghia

ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi họp tổ ngày 29/5. Ảnh: H.Y

Ngân hàng cần phối hợp thu hồi nợ BHXH

Đối với Luật BHXH (sửa đổi), hầu hết thống nhất về việc cần thiết sửa đổi luật, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH để mọi người đều được BHXH, chia sẻ rủi ro. Đồng thời, các ĐB cũng đóng góp nhiều ý kiến về việc khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu, về tính khả thi của mở rộng đối tượng…

Về tình trạng nợ đọng BHXH, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, lâu nay chúng ta chưa đặt nặng vấn đề vi phạm pháp luật đối với DN. DN không thể lập luận nếu trả đủ nợ BHXH thì không có tiền trả lương… Cần nghiêm khắc với những vi phạm này, nếu không đủ tiền trả BHXH thì thậm chí có thể cho phá sản theo luật.

Cùng vấn đề này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu rõ: Nếu quy định vẫn chung chung thì sẽ vẫn tái diễn tình trạng nợ đọng BHXH. ĐB đề xuất có cơ chế yêu cầu ngân hàng phối hợp để truy thu đối với các DN trốn nợ, chậm đóng BHXH. Thực tế hiện nay, ngân hàng đang không hợp tác với cơ quan nhà nước thu hồi BHXH để duy trì khách hàng nên phải qui trách nhiệm cho cả hệ thống ngân hàng về việc này, bởi đây là vi phạm pháp luật thì các cơ quan liên quan đều phải có trách nhiệm giải quyết. Không nên biến cán bộ của BHXH thành người đi đòi nợ, mà phải dùng các chế tài mạnh.

Tuy nhiên, phản ánh từ phía DN, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho biết, hiện nay DN đa số vừa và nhỏ, còn nhiều khó khăn. Do vậy, nên nghiên cứu thêm về khoản đóng góp của DN sao cho phù hợp, không nên đại trà mà phân loại DN để họ có thể thực hiện được. Đồng thời, nên có cơ chế theo từng loại hình, để DN được sử dụng phần nào đó khoản BHXH để tiếp tục phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Về nguy cơ vỡ quỹ BHXH, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng: 10 năm qua chúng ta tăng lương không kèm theo tăng năng suất. Năng suất thấp, lại giảm giờ làm, tăng lương, trong khi bộ máy phình lên thì “không vỡ mới lạ”. Vì vậy, vấn đề này phải được sửa từ gốc chứ không nên giải quyết phần ngọn.

Nên sớm thực hiện đóng BHXH theo thu nhập thực tế

Về nguy cơ vỡ quỹ BHXH, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng: 10 năm qua chúng ta tăng lương không kèm theo tăng năng suất. Năng suất thấp, lại giảm giờ làm, tăng lương, trong khi bộ máy phình lên thì “không vỡ mới lạ”. Vì vậy, vấn đề này phải được sửa từ gốc chứ không nên giải quyết phần ngọn.

Để giải quyết mối lo vỡ quỹ, ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) đề xuất nên tận dụng lực lượng lao động hiện nay đang làm việc để thu BHXH, bởi đây là nguồn thu rất lớn, thay vì nâng tuổi nghỉ hưu. ĐB nêu ra con số, tổng số người lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế là 16 triệu, mà số liệu thống kê mới thu được 10,8 triệu. Như vậy, còn 5 triệu người chưa đóng BHXH, đây là khoản thu còn rất lớn.

ĐB Lê Trọng Sang cũng đề nghị nên thực hiện sớm quy định đóng BHXH dựa trên thu nhập thực tế, không nên chờ đến năm 2018.

Quy định nâng tuổi nghỉ hưu cũng đang còn nhiều ý kiến chưa đồng tình. Nêu ý kiến mới về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch cho biết việc nâng tuổi nghỉ hưu liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp. Trong điều kiện Việt Nam, mỗi năm thêm 1 triệu lao động cần việc làm, 0,4 triệu nông dân chuyển việc, tổng cộng là 1,4 triệu lao động cần việc làm. Việc nâng tuổi hưu có nghĩa là giảm việc làm mới cho người lao động.

Về vấn đề tính lương hưu, có ý kiến lo việc lương hưu giảm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Tuy nhiên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, cũng chưa kỳ vọng lương hưu phải đủ sống vì mức lương chung của chúng ta còn thấp. Phải xây dựng chính sách sao cho hoà đồng trong xã hội, chia sẻ, thống nhất./.

Hoàng Yến