4 dự án với chiều dài 361 km cơ bản hoàn thành năm 2022

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành của các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đến hết ngày 5/8 đạt 47,1% giá trị hợp đồng, Trong đó, 4 dự án với chiều dài 361 km gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây cơ bản hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 65,5% giá trị hợp đồng.

4 dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 146 km hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 47,1% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch. Còn 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 128 km hoàn thành năm 2024, sản lượng trung bình đạt 15,4% giá trị hợp đồng. Trong đó, khó khăn vướng mắc chung của các dự án là giá vật liệu tăng cao gây khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong việc triển khai thi công, đặc biệt là với các gói thầu các dự án cao tốc dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt cơ bản đảm bảo tiến độ. Ảnh: Minh Phạm
Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt cơ bản đảm bảo tiến độ. Ảnh: Minh Phạm

Ngoài ra, các nguyên nhân về thời tiết bất lợi do mưa nhiều và ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, làm một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn với 4 dự án phải hoàn thành trong năm 2022. Bộ GTVT đã chỉ đạo ban quản lý dự án và nhà thầu nỗ lực triển khai thi công, tập trung khắc phục các khó khăn để hoàn thành dự án; xử lý nghiêm các nhà thầu chậm tiến độ, bảo đảm theo đúng cam kết. Còn 6 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 hoàn thành năm 2023 và 2024, Bộ GTVT liên tục yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu bổ sung tăng cường nhân lực, thiết bị để thi công, tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện và có các giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành.

Giải quyết khó khăn về giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết thêm, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng; chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án để kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại hạn chế và phòng ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án về khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm; rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các nhà thầu sớm khai thác được vật liệu đắp nền đường.

Đối với vấn đề biến động giá vật liệu, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án làm việc trực tiếp với các nhà thầu để thu thập và cung cấp đầy đủ thông tin về biến động giá các loại vật liệu xây dựng của từng dự án thành phần, từng gói thầu,... làm cơ sở phân tích đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý đối với từng dự án.

Đồng thời Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Ngoài việc tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà thầu lập tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày/tuần/tháng; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng. Đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, bị loại trong đấu thầu từ 3 - 5 năm với dự án do Bộ GTVT quản lý.