cục thuế đồng tháp

Nếu người nộp thuế thực hiện tốt chính sách pháp luật về thuế có thể được cấp "thẻ xanh" và được hưởng nhiều ưu đãi. Ảnh: Nhật Minh.

Xây dựng tiêu chí về quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Quản lý thuế là quản lý hành chính nhà nước về thuế trên một số lượng lớn các đối tượng được quản lý - những người nộp thuế. “Độ khó”, độ phức tạp của chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế luôn được xếp đứng thứ hai sau pháp luật dân sự; vì nó liên quan đến toàn bộ hoạt động tài chính, kinh tế, dân sự... của mỗi thể nhân, mỗi pháp nhân khi họ là đối tượng của pháp luật thuế.

Người nộp thuế nói chung và doanh nghiệp nói riêng luôn đa dạng, phức tạp; họ biến động theo thời gian, không gian; khác nhau về nhiều mặt: quy mô, hiểu biết pháp luật, trong đó có pháp luật về thuế; ý thức trách nhiệm với nghĩa vụ thuế phải nộp, số tiền thuế phát sinh và phải nộp; vi phạm về thuế và cách thức xử lý...

5 trường hợp doanh nghiệp không được cấp “thẻ xanh”:

- Doanh nghiệp thường xuyên bị lỗ và không có bằng chứng gì cho thấy doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp tài chính để khắc phục tình trạng tài chính yếu kém của mình.

- Doanh nghiệp có mức lợi nhuận thấp hơn các doanh nghiệp khác trong cùng ngành nghề kinh doanh.

- Doanh nghiệp có mức biến động lớn về doanh thu và chi phí hàng năm mà số thuế nộp không tương xứng với sự biến động này.

- Doanh nghiệp có mức độ doanh thu tăng nhanh và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng không tăng trưởng về lợi nhuận (hoặc chỉ kê khai lợi nhuận ở mức quá khiêm tốn).

- Các doanh nghiệp bị tố cáo là trốn thuế.

Người nộp thuế có trách nhiệm đăng ký, kê khai và nộp nghĩa vụ thuế theo Luật Quản lý thuế và pháp luật về thuế. Cơ quan thuế phải thực hiện đồng bộ, liên tiếp các bước quản lý, sao cho vừa khách quan, khoa học và nghệ thuật, đồng thời lại giảm thiểu rủi ro có thể gặp trong các cấp quản lý.

Xét ở góc độ quản lý của cơ quan thuế, việc xây dựng tiêu thức về rủi ro trong quản lý thuế luôn được đặt ra để nâng tầm quản lý, sao cho vừa hiệu quả, lại đáp ứng tốt nhất yêu cầu mà cải cách hành chính thuế phải thực hiện.

Đây vừa là một khoa học - khoa học quản lý; bởi khi quản lý một số lớn đối tượng như vậy, việc phân loại, đánh giá để dồn trọng tâm, xác định nhiệm vụ trong năm kế hoạch cho từng chức năng của cơ quan thuế các cấp, đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách là rất quan trọng.

Đây vừa là một nghệ thuật - nghệ thuật quản lý; bởi với một số lớn đối tượng vừa đa dạng và phức tạp như vậy, trong một môi trường đầy biến động trong nền kinh tế thị trường thì sự phân tích, xếp loại và đưa ra đánh giá, công khai một số các tiêu thức để doanh nghiệp biết để tự đánh giá được mình, góp phần giúp cơ quan thuế quản lý hiệu quả nguồn thu đòi hỏi phải áp dụng quản lý nhuần nhuyễn trên nhiều góc độ.

Nhiều nước trên thế giới đã cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế

Như vậy, nếu cơ quan thuế đưa ra một bộ tiêu chí, hoặc một cơ chế nào đó mà thể hiện và vận dụng được cả khoa học và nghệ thuật trong quản lý thuế của mình, thì sẽ góp phần tạo nên một bước cải cách trong quản lý thuế hiện nay.

Nếu người nộp thuế, hay doanh nghiệp nói riêng mà chấp hành nghiêm túc, tuân thủ pháp luật thuế, được cơ quan thuế đánh giá cao thì có thể được cấp một ưu tiên nào đó trong công tác quản lý về thuế không? Hay có thể được cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế sạch” này không?

So sánh một cách hình ảnh, điều này cũng tương tự như chúng ta trân trọng và giữ gìn môi trường vậy, một môi trường có màu xanh bình dị, trong sạch và thanh bình. Người nộp thuế được cấp “thẻ xanh" cũng vậy, cũng sẽ tạo cho cơ quan thuế sự tin cậy nơi doanh nghiệp được cấp thẻ này, sự tín nhiệm cao trong việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Trên thế giới, nhiều nước đã đưa ra một hệ thống thang điểm thông báo công khai, minh bạch đến người nộp thuế biết nhằm mục đích giúp họ thực hiện tốt nhất trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Đây chính là biện pháp áp dụng quản lý thuế theo mức độ tín nhiệm về kê khai, nộp thuế; trong đó quy định một hệ thống tính điểm.

Theo hệ thống này, cơ quan thuế sẽ công khai cho các tổ chức, cá nhân biết cách tính điểm của cơ quan thuế, với mong muốn để người nộp thuế tuân thủ tốt hơn pháp luật về thuế. Đặc biệt, khi áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp nhằm xác định mức độ tín nhiệm người nộp thuế để đánh giá sự tuân thủ pháp luật thuế và làm cơ sở phân loại trong công tác quản lý thuế.

Hệ thống thang điểm này cần được cơ quan thuế xây dựng trên cơ sở cân nhắc, so sánh với thực tế quản lý thuế hiện nay và hệ thống tính điểm ở một số nước.

Tiêu chí để cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế

Hệ thống tính điểm để cơ quan thuế xét cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ về thuế và pháp luật Nhà nước cần được cơ quan thuế xây dựng dựa trên các tiêu chí sau:

Hoạt động ổn định, liên tục trên 2 năm trở lên tính đến ngày xem xét cấp thẻ xanh, đồng thời: Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định thủ tục đăng ký thuế, cập nhật, bổ sung thông tin khi có thay đổi về đăng ký thuế; thực hiện đúng và đầy đủ các quy định thủ tục nộp tờ khai, báo cáo, quyết toán thuế, khấu trừ, hoàn thuế; thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về chứng từ, sổ sách kế toán; thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế; không vi phạm pháp luật thuế.

Không vi phạm vào các lỗi sau: nợ thuế; phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật; không thực hiện đầy đủ các quy định về hệ thống báo cáo, sổ sách kế toán phục vụ cho mục đích tính thuế; đã từng bị cơ quan thuế phạt trong khoảng thời gian 2 năm trước kể từ ngày được xem xét cấp thẻ xanh; không xác định đúng số thuế phải nộp hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ khấu trừ thuế; khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc hưởng ưu đãi thuế sai; trốn thuế, gian lận thuế; bị xếp vào diện “nghi vấn” về vi phạm pháp luật thuế tại thời điểm đánh giá và bị điều tra và chưa có kết luận chính thức.

Ưu đãi của người nộp thuế được cấp “thẻ xanh”

Để cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch”, cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kê khai, quản lý thuế. Hợp tác chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật thuế. Các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở mức tín nhiệm đạt được, người nộp thuế được cấp “thẻ xanh” có thể được hưởng những “ưu đãi” về chế độ quản lý thuế, giảm nhẹ nhiều thủ tục quản lý hành chính như: Không bị kiểm tra, thanh tra trong năm thời hạn hiệu lực của “thẻ xanh”, hoặc được xếp vào danh sách ưu tiên khi xét hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy trình đơn giản hoá, hoàn thuế trước - kiểm tra sau; được quảng bá tên, logo, hình ảnh trên website ngành Thuế, các bài viết biểu dương...

Đây chính là những nhân tố tích cực trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước nói riêng, đóng góp cho cộng đồng nói chung; và hơn thế, giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp cũng tăng nhanh giá trị.

Hệ thống tiêu chí rủi ro trong quản lý thuế, cũng như việc nghiên cứu, xem xét cấp “thẻ xanh” này cần được thực hiện trên cơ sở kết hợp giữa đánh giá của cơ quan thuế các cấp theo chu kỳ thời gian phù hợp, có thể trong 2 năm/ lần.

Việc xem xét sẽ dựa cơ bản vào hồ sơ quản lý và có thể kiểm tra thực tế nếu cần thiết. Trường hợp người nộp thuế không nhất trí với cách xác định của cơ quan thuế, sẽ được phép giải trình để phân loại lại. Điều này tạo điều kiện cho người nộp thuế, cho các doanh nghiệp thi đua và phấn đấu để đạt mức độ tín nhiệm cao đối với cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng sẽ không cần thiết phải công bố các tiêu chí lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra; nhưng đối với các doanh nghiệp có mức độ tín nhiệm thấp sẽ là một trong những trọng điểm của công tác thanh tra nếu họ rơi vào 5 trường hợp doanh nghiệp không được cấp “thẻ xanh” nêu ở trên.

Bằng hành động và bằng việc phân loại người nộp thuế theo mức độ tín nhiệm như vậy, bước đi đầu tiên là việc đưa ra hệ thống tiêu chí chuẩn xác, khoa học để phân loại rủi ro, cùng với việc xem xét đưa những người nộp thuế “sạch” và danh sách để cấp “thẻ xanh”, cơ quan thuế sẽ đưa ra một thông điệp quan trọng trong công tác quản lý thuế của mình.

Bằng cách đó, người nộp thuế nói chung, doanh nghiệp nói riêng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ phải đặt mình vào câu hỏi (và tự tìm cách trả lời) là liệu có nên đưa doanh nghiệp mình đứng vào nhóm uy tín hàng đầu - là nhóm được cấp “thẻ xanh” - vì lợi ích lâu dài hay bị đưa vào “diện ngắm” của cơ quan thuế. Bằng việc thiết kế, ra đời và từng bước quản lý hiệu quả “thẻ xanh” này, môi trường quản lý thuế sẽ từng bước trở nên “sạch” hơn, “đẹp” hơn./.

Lê Văn Hải