tổng cục hải quan

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn luôn quan tâm đến thực hiện thành công hải quan số, hải quan thông minh. Ảnh: Hải Anh

Ba đột phá chiến lược giai đoạn 2020 - 2025

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, trải qua 76 năm xây dựng và trưởng thành (10/9/1945 - 10/9/2021), Hải quan Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong giai đoạn đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế.

Tiếp nối thành quả đạt được, trong giai đoạn hiện nay, ngành Hải quan đang tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan lần thứ XI (nhiệm kỳ 2021 - 2025). Trong đó, Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan xác định 3 đột phá chiến lược để lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành thực hiện đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong tình hình mới. Đó là:

Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ về thể chế, pháp luật trong lĩnh vực hải quan, tập trung vào việc kiến nghị sửa đổi Luật Hải quan, các nghị định, thông tư hướng dẫn, quy trình thủ tục hải quan để triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Thứ hai, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học làm cơ sở lý luận mở đường cho việc xây dựng mô hình hải quan thông minh và giải quyết các bài toán nghiệp vụ đặt ra hiện nay.

Thứ ba, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thống nhất, phục vụ cho việc chuyển đổi số quốc gia; tập trung nguồn nhân lực để hoàn thiện Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin, đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Tâp trung thực hiện thành công hải quan thông minh

Đề cập đến Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, ngành Hải quan xác định mục tiêu tổng quát là:

Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới; dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh;

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới; tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cũng khẳng định, trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan về xây dựng mô hình hải quan thông minh, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã thống nhất phê duyệt “Chủ trương xây dựng mô hình hải quan thông minh là phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật trên thế giới và tại Việt Nam”.

Việc thực hiện thành công mô hình hải quan thông minh sẽ tạo ra bước đột phá và nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.

“Đây là mô hình mới với khối lượng công việc lớn chưa từng có tiền lệ, vì vậy đòi hỏi nỗ lực hết sức to lớn về sức lực, trí tuệ của cán bộ công chức toàn ngành để đảm bảo hoàn thành các nội dung theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng nội dung đề ra về hải quan số, hải quan thông minh.” - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nói./.

Nguyễn Bình -Phúc Hải