Chính sách hỗ trợ về thuế đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế
Nguồn: Nghị định số 44/2023/NĐ-CP. Đồ họa: Phương Anh

Gia hạn, miễn, giảm hơn 165 nghìn tỷ đồng

Thông tin tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2023, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, bên cạnh công tác tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các giải pháp về thuế, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh việc triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN và người dân với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn, miễn, giảm là khoảng 165.026 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn khoảng 106.946 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 58.080 tỷ đồng.

Thông tin chi tiết về chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trong 11 tháng năm 2023, tổng số tiền thuộc diện được gia hạn khoảng 106.946 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế còn được tiếp tục gia hạn là khoảng 38.473 tỷ đồng. Cụ thể: gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (theo Nghị định số 36/2023/NĐ-CP) ước tính số tiền thuế đề nghị khoảng 8.083 tỷ đồng; gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất (theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP) ước tính khoảng 98.863 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất còn được gia hạn là khoảng 38.473 tỷ đồng.

Về các chính sách miễn, giảm thuế, tổng số tiền thuế, phí giảm hỗ trợ cho người dân và DN trong 11 tháng năm 2023 ước tính khoảng 58.080 tỷ đồng. Cụ thể, một số chính sách hỗ trợ đã ban hành và có hiệu lực trong năm 2022 tác động làm giảm số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong những tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022 ước tính khoảng 9.192 tỷ đồng. Trong đó, giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% (theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ), thời gian áp dụng từ 1/2/2022 đến 31/12/2022 tuy nhiên, do độ trễ về thời hạn kê khai thuế nên ước tính giảm thuế cho người dân, DN trong tháng 1/2023 khoảng 2.960 tỷ đồng.

Giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT, theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15) từ ngày 11/7/2022 đến 31/12/2022 ước tính làm giảm thuế cho người dân và DN trong tháng 1/2023 là khoảng 6.232 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành và có hiệu lực trong năm 2023 ước tính giảm thuế trong 11 tháng năm 2023 khoảng 48.888 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện giảm mức thuế BVMT (theo Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15), ước tính giảm thuế cho người nộp thuế (NNT) khoảng 31.927 tỷ đồng. Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 (theo Quyết định 01/2023/QĐ-TTg), ước tính hỗ trợ giảm cho NNT khoảng 3.464,1 tỷ đồng. Giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% (theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP), ước tính giảm thuế cho NNT khoảng 10.300 tỷ đồng. Thực hiện Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, ước tính hỗ trợ giảm cho NNT khoảng 3.176 tỷ đồng. Thực hiện Thông tư số 44/2023/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và DN, ước tính hỗ trợ giảm cho NNT khoảng 20,5 tỷ đồng.

Thêm động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Việc gia hạn thời hạn nộp một số sắc thuế năm 2023 là một động thái hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng DN, người dân; góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Bùi Thị Lê Huyền - Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng đô thị và khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết, DN đánh giá rất cao chính sách giảm thuế, phí, trong đó có chính sách giảm tiền thuê đất. Việc được giảm thuế, tiền thuê đất hỗ trợ trực tiếp về dòng tiền cho DN, đặc biệt là DN có diện tích thuê đất lớn. Được gia hạn nộp thuế, DN có được nguồn vốn lưu động để quay vòng phục vụ sản xuất kinh doanh, giúp không phải trả lãi vay, bởi nguồn vốn lưu động thông thường DN phải đi vay ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ Văn Phụ - Chủ tịch HĐQT Nhà máy nhôm Việt Pháp cho biết, từ năm 2020 đến nay, DN đã được giảm tiền thuê đất khoảng 4 tỷ đồng. Năm nay, tiếp tục được giảm tiền thuê đất, DN đã tính toán được số tiền giảm là không nhỏ. Dù khoản tiền thuê đất không quá lớn, nhưng với những khó khăn DN đang phải đối mặt, chính sách này là sự đồng hành rất cụ thể của Chính phủ với doanh nghiệp. Việc được giảm tiền thuê đất là động lực để DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, qua đó mang lại nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Tuấn Sơn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra, đơn hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề, tình hình kinh doanh của DN rất khó khăn. Nhờ chính sách gia hạn, miễn giảm tiền thuê đất kịp thời của Chính phủ đã giúp DN có thêm nguồn tài chính để đảm bảo đời sống ổn định cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Mặc dù dịch Covid-19 đã qua, nhưng những ảnh hưởng để lại, đặc biệt là sự biến động của thị trường trong và ngoài nước khiến DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chính sách giảm 30% tiền thuê đất vừa được Chính phủ ban hành có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc góp phần giúp DN có thêm nguồn lực tài chính phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong năm 2024, nền kinh tế thế giới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cộng đồng DN, cũng như nền kinh tế. Việc tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm một số loại thuế, phí, tiền thuê đất trong năm 2024, sẽ giúp cho DN ổn định phát triển và tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

ÔNG MẠC QUỐC ANH - PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA HÀ NỘI: Giảm thuế thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất

Chính sách hỗ trợ về thuế đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế

Trước những tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành kịp thời các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế phí, đây được xem như một hình thức hỗ trợ trực tiếp hiệu quả nhất. Qua đó, doanh nghiệp giảm bớt được số tiền phải nộp ngân sách, có nguồn vốn để có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, sớm phục hồi và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc giảm 30% tiền thuê đất vào năm 2023, chắc chắn sẽ giúp ích trong một số lĩnh vực của nền kinh tế. Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 sẽ tạo điều kiện tiếp cận tín dụng tốt hơn để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội gia hạn mức giảm 2% thuế GTGT đến hết tháng 6/2024; việc tiếp tục giảm 50% thuế môi trường đối với xăng, dầu..., vào năm 2024 sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng, mang lại lợi ích cho các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

HÀ HUY PHONG - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH CÔNG TY LUẬT TNHH INTECO: Giảm thuế tiếp sức thêm cho sự phục hồi của doanh nghiệp

Chính sách hỗ trợ về thuế đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế

Năm 2023, là một năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và đối với cộng đồng DN nói riêng. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ về thuế, phí như gia hạn, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…, nhất là giảm 2% thuế GTGT đối với phần lớn mặt hàng là những hỗ trợ rất tích cực.

Sự hỗ trợ này góp phần tiếp sức thêm cho sự phục hồi của DN cũng như người dân thông qua kích cầu tiêu dùng. Điều này được thể hiện rất rõ ràng khi đến cuối năm 2023, kinh tế của Việt Nam đã có sự tăng trưởng rõ rệt so với các quý trước đó trong năm.