Chính sách tài khóa tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển Mở rộng không gian chính sách tài khóa Chính sách tài khóa “ứng vạn biến” trong bối cảnh khó khăn Chính sách tài khóa đã tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó Chính sách tài khóa lấy lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất
Chính sách tài khóa còn dư địa phát huy hiệu quả trong năm 2024

PV: Ông có đánh giá như thế nào về hiệu quả của chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế vượt qua dịch Covid-19 và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới kéo dài hiện nay?

Ông Vũ Tiến Lộc: Chính sách tài khóa - tiền tệ đóng góp vai trò rất quan trọng cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Trong những năm qua, chính sách tài khóa đã là bệ đỡ quan trọng cho sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN nói riêng, phục hồi, phát triển của nền kinh tế nói chung, sau dịch Covid-19, cũng như ảnh hưởng suy thoái của kinh tế thế giới.

Có thể nói chính sách tài khóa thực hiện trong thời gian qua được đánh giá là rất thành công. Nợ công hiện nay thấp hơn mức trần nợ công do Quốc hội đặt ra, nên theo tôi dư địa chính sách tài khóa còn nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới chính sách tài khóa vẫn có thể tiếp tục phát huy vai trò, động lực giúp nền kinh tế ổn định và phát triển.

Chính sách tài khóa còn dư địa phát huy hiệu quả trong năm 2024
Ông Vũ Tiến Lộc

Chính sách tài khóa thời gian qua thể hiện qua việc giảm thuế, phí. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy được tác dụng, đem lại kết quả rất tốt trong việc hỗ trợ các DN cũng như hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân.

Minh chứng, trong năm 2022, Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng, tăng trưởng kinh tế trên 8%, trong khi cả thế giới gần như suy thoái.

Đến năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, độ trễ tác động của những khó khăn trong năm 2022 kéo dài đến năm 2023 tác động lên kinh tế Việt Nam, cộng với những khó khăn mới của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tổng cầu giảm sút, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đều bị thu hẹp.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh chung cũng như những diễn biến của kinh tế Việt Nam, có thể thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Quý I/2023, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam khá thấp chỉ 3,8% nhưng sang quý II đã tăng trưởng trên 4% và quý III tốc độ tăng trưởng đã đạt trên 5,3%.

Những con số trên cho thấy kinh tế Việt Nam đã dần dần vượt qua được những khó khăn của năm 2022-2023 và bắt đầu đi vào quỹ đạo tăng trưởng trở lại.

PV: Thưa ông, mặc dù có dấu hiệu kinh tế phục hồi nhưng có ý kiến từ các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP của 6,5% như Quốc hội đề ra là không thể, khi thời gian còn lại của năm 2023 là không nhiều. Ông nhận định ra sao về điều này và chúng ta có giải pháp nào để cải thiện tình hình?

Ông Vũ Tiến Lộc: Đây là nhiệm vụ thách thức. Không có sự đột biến tổng cầu xét trên nhiều góc độ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và quyết tâm phấn đấu đến mức cao nhất.

Dư địa chính sách tài khóa còn lớn

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, chính sách tài khóa còn dư địa để triển khai trong năm 2024 trên cơ sở căn cứ vào tiêu chí quan trọng đó là trần nợ công. Hiện nay, nợ công của nước ta so với trần nợ công theo quy định của Quốc hội quy định còn thấp, điều đó chứng tỏ dư địa chính sách tài khóa còn lớn.

Thời gian còn lại của năm 2023, có những yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng đó là đầu tư công. Trên thực tế, trong những tháng qua, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng thúc đẩy đầu tư công hy vọng đạt kết quả khả quan trong năm nay, tạo nên tác động dây chuyền thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế, tăng tổng cầu, tăng trưởng.

"Ngôi sao hy vọng" về dư địa tăng trưởng của năm 2023 nữa là sự đột phá về cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn thủ tục hành chính cho DN, cho một số thị trường như bất động sản.

Để giảm áp lực cho nền kinh tế, trong bối cảnh hiện nay cũng phải hết sức thận trọng trong kế hoạch tăng, phí giá, sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan đến tăng phí giá. Điều này tạo nêu khó khăn cho cộng đồng DN.

Đứng trước thực tế khó khăn một mặt phải đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, có nghĩa là phải điều chỉnh tăng giá điện để bù đắp sản xuất điện, có lãi để tái tạo đầu tư cho ngành điện. Mặt khác phải đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế, không tạo ra cú sốc, đầu vào của nền kinh tế, hỗ trợ người dân, DN.

Vì vậy, Chính phủ nên cân nhắc để có quyết sách đảm bảo cân đối 2 mục tiêu đó. Phải có tính toán lộ trình, tính thời điểm điều chỉnh thuế, phí… Hơn nữa trong điều kiện ngắn hạn rất khó khăn như hiện nay, cần có những gói giải pháp để tiếp sức cho DN.

PV: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay, để hỗ trợ người dân, DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024? Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022 và năm 2023 đã phát huy tác dụng thiết thực, tác động đa chiều đến nền kinh tế khi giảm thuế làm giá hàng hóa giảm, tiêu dùng tăng giúp DN tăng sản xuất. DN được giảm chi phí đầu vào thông qua giảm 2% GTGT. Chi phí đầu vào giảm, người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ hơn, đồng thời tiết kiệm được 2% trong tiêu dùng nên sức tiêu thụ mạnh hơn.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế GTGT không làm giảm ngân sách nhà nước (mà thực tế lại tăng do kích thích tiêu dùng) và kích thích các chỉ tiêu khác trong nền kinh tế. Kết quả cuối cùng là GDP tăng đáng kể so với kế hoạch của Chính phủ.

Chính vì vậy, tôi đánh giá có đề xuất này của Bộ Tài chính và kỳ vọng sớm được Chính phủ, Quốc hội phê duyệt nhằm tiếp sức cho DN phục hồi và tạo đà thúc đầy tăng trưởng kinh tế năm 2024 cận kề.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kết hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ

TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, khi thực hiện chính sách tài khóa cũng cần quan tâm đến chính sách tiền tệ.

Việc thực hiện chính sách tiền tệ trên thực tế sẽ có những rủi ro nhất định, nên cần sự kết hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, hiện nay sức hấp thụ của nền kinh tế, khả năng hấp thụ của doanh nghiệp (DN) thấp, tùy thuộc vào thị trường, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN.

Chính sách tài khóa có dư địa khá lớn, việc áp dụng chính sách tài khóa trên thực tế đã mang lại lợi ích có tính dài hạn. Trước mặt đối với một số lĩnh vực, khi thực hiện chính sách tài khóa, giãn, giảm thuế, phí thì nguồn thu ngân sách nhà nước có thể giảm. Nhưng khi DN sản xuất kinh doanh phục hồi cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách được bồi đắp.

Trong bài toán tài khóa có thể thấy được khi giảm, thuế, phí thì hụt thu ngân sách. Trên thực tế cần tính toán ở một góc độ tích cực khác, khi DN nhờ các biện pháp tài khóa tích cực giảm thuế, phí sẽ tạo cho nguồn lực để DN phục hồi, số DN trụ lại thị trường sẽ nhiều hơn và cơ hội cho DN mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng vì vậy tăng lên thì diện đóng thuế tăng lên, nguồn thu ngân sách tăng lên.