Chính sách tài khóa là động lực cho phát triển kinh tế năm 2023 Lấy ổn định chính sách để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi

Kinh tế vĩ mô ổn định nhờ sự chèo lái vững vàng

Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp".

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô, PGS.TS. Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (tham dự trực tuyến từ Singapore) cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine khiến tình hình quốc tế bất ổn, lạm phát cao, các nước phải vật lộn với nhiều khó khăn, điều đáng mừng là Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt. Nhờ có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước.

Đồng tình với đánh giá này, GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thành công lớn nhất của Việt Nam vừa qua là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tạo được sự ổn định về nhiều mặt.

Chính sách tài khóa là điểm tựa, bệ đỡ để ổn định kinh tế vĩ mô

Từ trái sang: GS.TS. Hoàng Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại tọa đàm.

Trong đó, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh sự thành công trong điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ, với những ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả. “Chúng ta thấy, trong bối cảnh dịch, rất nhiều nước cũng dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, nhưng hậu quả kéo theo sau dịch là lạm phát. Nhưng Việt Nam vẫn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cũng dùng tài khóa nhưng không bị rơi vào lạm phát, vẫn giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp, như giảm thuế, giãn, hoãn các khoản đóng góp” - GS.TS Hoàng Văn Cường dẫn chứng.

Đối với điều hành thu, chi, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, khi kinh tế khó khăn hơn, đương nhiên nguồn thu có xu hướng bị sụt giảm, nhất là chúng ta cùng lúc thực hiện miễn, giãn, hoãn các khoản thu. Tuy nhiên thực tế 2 năm qua, thu ngân sách đều vượt dự toán khá cao, nhờ chúng ta quản lý chặt chẽ, khai thác tốt được các nguồn thu để bù đắp cho phần giảm thu khi hỗ trợ doanh nghiệp. Chính từ việc quản lý thu tốt đã giúp cán cân thanh toán của Việt Nam luôn thấp hơn mức bội chi Chính phủ giao. Nợ công giảm xuống rất thấp, tạo dư địa rất tốt để chúng ta tiếp tục sử dụng những chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế. Những thành công này là kết quả của việc chúng ta đã khéo léo, hiệu quả trong điều hành chính sách tài khóa.

Chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp nhịp nhàng

Một kết quả quan trọng khác trong điều hành kinh tế vĩ mô được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu trong cuộc tọa đàm, là việc lạm phát đã được kiểm soát hiệu quả.

Chính sách tài khóa là điểm tựa, bệ đỡ để ổn định kinh tế vĩ mô
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tham gia cuộc tọa đàm

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, sự phối hợp nhịp nhàng các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã góp phần giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả trong khi vẫn hỗ trợ nền kinh tế.

Khi cần kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp về chính sách tiền tệ để giữ lạm phát trong mức mục tiêu. Để thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế, chúng ta phải dùng chính sách tài khóa mở rộng như giãn, hoãn thuế, giảm nhiều sắc thuế, giảm tiền thuê đất… cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tăng cường, mở rộng đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm. Cùng lúc đó, phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Thành quả ấn tượng của Chính phủ trong thời gian qua là sự phối hợp nhịp nhàng các chính sách để cùng đạt được mục tiêu đề ra.

Từ góc độ Bộ Tài chính, cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, cho Đảng về chính sách tài khóa, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, chính sách tài khóa trong những năm vừa qua chính là điểm tựa, là bệ đỡ để thực hiện nhiều chính sách vĩ mô quan trọng. Và dư địa chính sách tài khóa hiện nay cũng chính là không gian Chính phủ để tiếp tục đề xuất, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Về tình hình năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay kết quả thu ngân sách đến nay vẫn đạt theo dự toán, mặc dù có giảm so với cùng kỳ song mức giảm không nhiều. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực thi các giải pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ và đạt được các mục tiêu của chính sách tài khóa. Đồng thời, chú trọng việc phối hợp đồng với các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.

Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhắc lại lạm phát cao đã từng gây những hậu quả nặng nề trong quá khứ, như giai đoạn những năm 80, 90 của thế kỷ trước hay là giai đoạn 2008 - 2011 với sự tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Khi đó, mất rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực để khắc phục được hậu quả của lạm phát. Chính vì vậy, việc kiểm soát được lạm phát có ý nghĩa rất lớn.

Số liệu lạm phát của Việt Nam là hoàn toàn đáng tin cậy

Nhấn mạnh kết quả kiểm soát lạm phát của chúng ta trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong chính sách điều hành kiểm soát giá, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay có dư luận cho rằng kết quả làm tốt này phải chăng có vấn đề ở số liệu. Ở vai trò quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với Tổng cục Thống kê là cơ quan tổng hợp và công bố số liệu về lạm phát, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa khẳng định số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam là hoàn toàn đáng tin cậy và đã được quốc tế đánh giá.