Chính sách sẽ ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), trong những tháng cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông Đinh Quang Hinh cũng đưa là một số yếu tố để minh chứng cho lập luận này.

Theo đó, theo chuyên gia này, áp lực lạm phát giảm có thể mở ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ. Chuyên gia của VNDIRECT hạ dự báo lạm phát bình quân năm 2021 xuống còn 2,4%, do nhu cầu tiêu dùng trong nước và giá các dịch vụ thiết yếu giảm.

Lạm phát của Việt Nam đã tăng lên 2,6% so với cùng kỳ vào tháng 7/2021 (so với mức 2,4% trong tháng trước). CPI theo tháng chủ yếu do chỉ số giá giao thông tăng 2,4%, chỉ số nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,9% và chỉ số giá lương thực và thực phẩm tăng 0,7%.

Tuy nhiên, chỉ số CPI trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 7 thấp hơn ước tính trước đó, do chỉ số lương thực thực phẩm thấp hơn dự kiến trong bối cảnh giá thịt lợn giảm mạnh trong 4 tháng qua và nhu cầu tiêu dùng giảm sau khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 bùng phát.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thông báo giảm giá, phí các dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, viễn thông cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Điều này sẽ giúp kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021. Do đó, “chúng tôi đã hạ dự báo CPI bình quân năm 2021 xuống 2,4% (+/- 0,2 điểm %) so với dự báo trước đó là 2,9%” – ông Đinh Quang Hinh phân tích.

lãi suất ngân hàng

Ngày 19/7, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ, trong đó Việt Nam cam kết không phá giá tiền đồng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế, cũng như minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Sau đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã quyết định không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với Việt Nam, chẳng hạn như áp đặt thuế trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Đinh Quang Hinh cho rằng, việc loại bỏ mối đe dọa thuế quan của Mỹ và áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước tập trung nhiều hơn vào các chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do làn sóng Covid-19 thứ 4 gây ra.

Cuối cùng, theo chuyên gia của VNDIRECT, khi đà tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng bởi làn sóng Covid-19 hiện tại, cả chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ hướng nhiều hơn đến mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2021 và thậm chí là cả trong nửa đầu năm 2022.

Sẽ cởi mở hơn trong việc nâng trần tín dụng?

Theo ông Đinh Quang Hinh, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cởi mở hơn trong việc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. “VNDIRECT duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 là 13%. Ngoài ra, VNDIRECT kỳ vọng lãi suất tín dụng sẽ giảm hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành và khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19” – chuyên gia của VNDIRECT nói.

Trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng hương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Sau đó, một số ngân hàng đã thông báo hạ lãi suất cho vay.

Cụ thể, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã thông báo cắt giảm 0,5 - 1% lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay hiện hữu của các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, giáo dục, lưu trú và dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại tư nhân như ACB, MBB, VIB, VPB,… cũng cam kết cắt giảm lãi suất cho vay từ 0,8 - 2,0% đối với dư nợ của các khách hàng bị đại dịch.

“Về mặt bằng lãi suất huy động, chúng tôi hạ dự báo mức tăng lãi suất huy động trong phần còn lại của năm xuống 10 - 15 điểm cơ bản, từ mức dự báo trước đó là 25-30 điểm cơ bản” – ông Đinh Quang Hinh cho hay./.

Duy Thái