Chống gian lận xuất xứ, hải quan lập nhiều chiến công mới
Lực lượng hải quan khám xét container hàng hóa vi phạm ngày 13/5/2025. Ảnh: CHQ

Bắt giữ lô hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng trị giá hơn chục tỷ đồng

Chiến công mới nhất của ngành Hải quan gần đây đó là đã ngăn chặn kịp thời lô hàng vi phạm về xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng.

Theo đó, vào ngày 13/5/2025, Đội Kiểm soát chống buôn lậu số 3 (Đội 3), Chi cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì, phối hợp Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 thuộc Chi cục Hải quan khu vực II kiểm tra thực tế lô hàng chứa trong container 40 feet số HPPU9007070 được đăng ký bởi Công ty TNHH K.T.Đ. Theo khai báo, hàng hóa là giày dành cho nam, quần áo thun, túi xách cầm tay, chất liệu da công nghiệp, không nhãn hiệu. Trị giá hàng hóa khoảng 24.638,4 USD và tổng trọng lượng là 10.920 kg.

Phát hiện xử lý 4 vụ hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ

Theo cơ quan hải quan, tính từ đầu năm 2025 đến nay, toàn ngành đã chủ trì bắt giữ 3 vụ vi phạm buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ có dấu hiệu hình sự và 20 vụ vi phạm hành chính. Tổng trị giá vi phạm ước tính khoảng 15 tỷ đồng.

Tại thời điểm kiểm tra doanh nghiệp không xuất trình được văn bản, hóa đơn, chứng từ liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng như nguồn gốc hàng hóa. Cơ quan hải quan đã phối hợp với đại diện các chủ thể quyền lấy mẫu giám định để kết luận hàng hóa là thật hay giả nhãn hiệu.

Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa, giám định và làm việc với các cá nhân, tổ chức liên quan, kết luận của đại diện các chủ thể quyền, tính đến thời điểm hiện tại đã xác định có 10/14 chủng loại, nhãn hiệu có kết luận. Theo đó, cơ quan xác định, 5 mặt hàng giả nhãn hiệu, gồm: 990 đôi giày thể thao nữ mang nhãn hiệu MLB; 36 đôi giày thể thao nam nhãn hiệu Hugo Boss; 1.511 chiếc áo thun mang nhãn hiệu Armani Exchange là sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu MLB, Hugo, Armani Exchange, Vant, North Face. Tổng trị giá hàng giả ước tính khoảng hơn 8,1 tỷ đồng.

Cùng với đó, 4 mặt hàng là hàng thật nhưng doanh nghiệp không thuộc danh sách các nhà xuất khẩu và cũng không được ủy quyền xuất nhập khẩu các sản phẩm mang nhãn hiệu này. Doanh nghiệp cũng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa này. Tổng trị giá hàng hóa ước tính khoảng hơn 9,2 tỷ đồng. Hiện nay, Cục Hải quan tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Quốc Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan cho hay, trong những ngày này, cơ quan hải quan đang triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa. Các đội, tổ của lực lượng điều tra chống buôn lậu, huy động tối đa quân số triển khai ở các địa bàn cửa khẩu trọng yếu trên cả 3 miền.

Với tâm thế tích cực, chủ động, ngay từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2025, trước diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp, Chi cục Điều tra chống buôn lậu đã đề xuất với lãnh đạo Cục Hải quan triển khai các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, tăng cường công tác thu thập, trao đổi thông tin. Đồng thời, phối hợp với một số đơn vị hải quan khu vực quản lý địa bàn trọng điểm kiểm tra thực tế một số lô hàng nhập khẩu, quá cảnh có dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật hải quan. Kết quả đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, đang trong quá trình mở rộng điều tra.

Tập trung chống gian lận thương mại, xuất xứ

Theo nhận diện của Cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp. Vụ việc nêu trên là một thí dụ điển hình. Ngoài ra, cơ quan hải quan tập trung kiểm soát các cửa khẩu quan trọng trên tuyến biển nơi vẫn chiếm tỷ trọng vi phạm lớn 52,8% số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý. Hàng hóa tập trung chủ yếu qua các cảng biển quan trọng như Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Tân Vũ, VIP Green, Cát Lái, ICD Phước Long, Hiệp Phước, VICT, Cái Mép… các đối tượng chủ yếu khai sai về tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, mã số hàng hóa, xuất xứ.

Đề cập đến mục tiêu đấu tranh với vi phạm hải quan, ông Phan Quốc Đông cho biết, trong tháng 5 và 6/2025, lực lượng chống buôn lậu hải quan quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Công văn 5214/CHQ-ĐTCBL của Cục Hải quan về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, trong đó lưu ý đến việc thực hiện hiệu quả Quyết định số 824/QĐ-TTg (ngày 4/7/2019) về tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tranh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác thu thập thông tin, đánh giá, phân tích rủi ro đối với các mặt hàng có nguy cơ, tiềm ẩn rủi ro về giá, xuất xứ, không đạt điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng nhập khẩu. Đặc biệt là các mặt hàng có kim ngạch lớn, trị giá lớn, thuế suất cao, mặt hàng xuất, nhập khẩu có điều kiện, các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại hoặc chuyển cho đơn vị có chức năng, thẩm quyền xử lý theo quy định.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng để xác minh nguồn gốc hàng hoá hồ sơ hải quan, nắm bắt, trao đổi thông tin về các thủ đoạn gian lận đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, trốn thuế, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, xác minh các giao dịch đáng ngờ (buôn lậu, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới...) để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Hưởng ứng đợt tấn công cao điểm đấu tranh buôn lậu, hàng giả

Cục Hải quan cho biết, lực lượng hải quan tập trung nhân lực, vật lực triển khai công tác chống buôn lậu trên các tuyến, cửa khẩu, đường biển, hàng không, đường bộ nhằm hưởng ứng và thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5/2025 đến ngày 15/6/2025.

Trong đó với tuyến hàng không, cơ quan hải quan cảnh báo, hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, tiền tệ, vàng qua biên giới có dấu hiệu gia tăng ở tuyến hàng không cùng với đó là phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về chế độ chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa... để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép.

Trên tuyến đường bộ, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn ở địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, bách hoá tiêu dùng, thuốc lá điếu, lá thuốc lá tại các khu vực giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia.

Về kết quả xử lý vi phạm, Cục Hải quan cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ và xử lý là 5.206 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính đạt 10.331 tỷ đồng. Thu nộp ngân sách từ xử lý vi phạm đạt xấp xỉ 347,16 tỷ đồng; chuyển cơ quan chức năng khởi tố là 34 vụ.