Chủ động ứng phó với cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới
CBAM thúc đẩy mạnh mẽ hơn các quyết tâm và nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tăng cường phát triển xanh. Ảnh minh họa

Nhiều quan điểm khác nhau với việc áp dụng CBAM

Một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa của các nước khi xuất khẩu sang châu Âu cũng như một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada là Cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới (CBAM) sẽ được áp dụng trong thời gian tới. Đây là vấn đề cần được lưu ý trong quá trình xây dựng chính sách tài chính, đặc biệt là chính sách thuế của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã trao đổi với phía Liên minh châu Âu (EU) về CBAM tại các phiên họp Ủy ban chuyên trách trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Đồng thời, tiếp tục tìm hiểu về khả năng mở rộng phạm vi, cơ chế miễn trừ cũng như các vấn đề liên quan để xác định các bước cần triển khai trong thời gian tới.

CBAM đang áp dụng với 6 mặt hàng

CBAM chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2023, áp dụng đối với 6 mặt hàng: xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen (việc lựa chọn các mặt hàng này được thực hiện dựa trên các lĩnh vực bị điều chỉnh bởi EU ETS). Việc triển khai sẽ được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn chuyển tiếp (từ 1/10/2023 đến 31/12/2025) và giai đoạn chính thức (từ 1/1/2026).

CBAM có thể đem lại một số cơ hội cho Việt Nam, như: thúc đẩy mạnh mẽ hơn các quyết tâm và nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tăng cường phát triển xanh, tạo động lực cho việc hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát thải các-bon; khuyến khích các doanh nghiệp, nhà máy trong lĩnh vực phát thải nhiều các-bon, đặc biệt là các lĩnh vực thuộc diện điều chỉnh của CBAM hiện tại và tương lai đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa hướng tới tiêu chuẩn xanh, bền vững.

Đặc biệt, CBAM giúp mở ra cơ hội xây dựng và phát triển thị trường mua, bán tín chỉ các-bon và các dự án thu hồi, sử dụng, lưu trữ các-bon tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khi phạm vi các mặt hàng áp dụng CBAM được mở rộng cũng như ngày càng có nhiều nền kinh tế lớn tham gia áp dụng cơ chế này, thì thị trường mua bán tín chỉ các-bon sẽ ngày càng trở nên sôi động.

Việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách thích ứng với CBAM cùng các chính sách định hướng phát triển xanh sẽ giúp Việt Nam nổi bật hơn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm năng lớn.

Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch

Bên cạnh những cơ hội, thách thức đối với Việt Nam để thích ứng và tận dụng cơ hội từ CBAM cũng rất lớn. Do CBAM hiện nay là một chính sách còn mới đối với thế giới và mới chỉ có EU và Anh chính thức áp dụng nên các khung khổ chính sách quản lý, vận hành chưa đầy đủ. Điều này gây khó khăn cho Việt Nam trong việc nghiên cứu các mô hình phù hợp để xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả, phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của mình.

CBAM khi chính thức vận hành cũng sẽ tạo áp lực rất lớn về mặt chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà máy trong chuỗi cung ứng hàng hóa thuộc diện điều chỉnh của CBAM. Theo ước tính hiện tại, giá giấy phép CBAM sẽ chiếm khoảng 5 - 10% tổng chi phí sản xuất theo và tỷ lệ này sẽ còn cao hơn đối với ngành xi măng.

Bên cạnh đó, nhận thức về CBAM của đại bộ phận doanh nghiệp và nhà sản xuất tại Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực điều chỉnh của CBAM còn hạn chế. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã được nghe nói đến hoặc biết đến CBAM, nhưng phần đông đều cho rằng, CBAM sẽ không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và đa số đều không có kế hoạch để đối phó với cơ chế này.

Trước mắt, trong ngắn hạn, do EU là những quốc gia đầu tiên đã bắt đầu áp dụng CBAM, ít nhất 6 ngành thuộc phạm vi mà EU áp dụng CBAM sẽ bị ảnh hưởng bởi cơ chế này, đó là: xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen.

Qua nghiên cứu, tác động dự báo đối với ngành thép, xuất khẩu thép sang EU chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam, trường hợp CBAM được áp dụng đầy đủ, dự tính sản lượng thép và xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU có thể giảm tương ứng là 0,8% và 3,7% vào năm 2030 và 0,9% và 3,9% vào năm 2035.

Đối với ngành nhôm, xuất khẩu nhôm sang EU chiếm tỷ trọng khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu nhôm của Việt Nam, trường hợp CBAM được áp dụng đầy đủ, dự tính sản lượng nhôm và xuất khẩu nhôm của Việt Nam sang EU có thể giảm tương ứng là 0,4% và 4,3% vào năm 2030 và 0,4% và 4,4% vào năm 2035. Đối với ngành phân bón, xi măng, ngành điện và hydrogen, về cơ bản không bị ảnh hưởng.

Đánh giá tác động của CBAM nêu trên mới chỉ đang tính đến việc EU áp dụng đối với 6 ngành hàng, tuy nhiên, theo kế hoạch đã được đề ra, khả năng cao CBAM sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực thuộc Hệ thống thương mại khí thải Liên minh châu Âu, theo đó, sẽ có rất nhiều sản phẩm tiềm năng khác của Việt Nam cũng chịu sự điều chỉnh của cơ chế này.

Bên cạnh đó, khả năng một số ngành chưa có trong Hệ thống thương mại khí thải Liên minh châu Âu như dệt may và nhựa có thể được đưa vào diện điều chỉnh do có lượng phát thải khí CO2 rất lớn, theo đó, trong tương lai việc áp dụng CBAM có thể sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể của cơ chế này.

Trong bối cảnh các nước đang tích cực áp dụng các chính sách bảo vệ môi trường, giảm phát thải, trong đó có cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới, để hạn chế ảnh hưởng của cơ chế này đối với thương mại Việt Nam, Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách tương ứng. Trong đó, cần vận dụng linh hoạt các chính sách thuế, bao gồm chính sách thuế bảo vệ môi trường; chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.

CBAM có thể được coi như một biểu thuế các-bon

Trong những năm gần đây, EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí các-bon vào năm 2050. Tuy nhiên, EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều các-bon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo ở các quốc gia khác, hay còn gọi là “rò rỉ các-bon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá các-bon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng CBAM. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đang xem xét việc ban hành cơ chế điều chỉnh các-bon đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất tại nước sở tại.

Theo đó, CBAM có thể được coi là một biểu thuế các-bon gồm các hàng hóa nhập khẩu trong các lĩnh vực công nghiệp có cường độ các-bon cao khi nhập khẩu vào các quốc gia như EU, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hình thức hiện nay đang là một chứng chỉ do cơ quan chuyên trách về CBAM tại EU cấp.

Hiện nay, các quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau đối với việc áp dụng CBAM hoặc cơ chế tương tự. Ví dụ như Anh là một trong những nước đầu tiên ủng hộ và áp dụng một cơ chế tương tự CBAM. Tương tự, Hoa Kỳ đã có một dự luật về đánh thuế các-bon biên giới đã được đưa ra thảo luận như dự luật cạnh tranh sạch và phí ô nhiễm nước ngoài.

Theo báo cáo đánh giá tác động CBAM của Văn phòng Dịch vụ dự án Liên Hợp quốc (UNOPS) phối hợp triển khai với Tổ chức Đối tác chuyển đổi năng lượng năm 2023, việc EU áp dụng CBAM có thể khiến GDP của Việt Nam giảm khoảng 100 triệu USD vào năm 2030 và khoảng 200 triệu USD đến năm 2035. Tuy nhiên, các ảnh hưởng tiêu cực này có thể được hạn chế nếu thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch.