phien giao dich 6.12

Suốt những phiên khối ngoại xả mạnh HAG, vẫn có lực đỡ mạnh mẽ từ nhà đầu tư trong nước.

HAG: Ngọt và đắng với mía đường

Thông tin HAG có khả năng thu lãi lớn từ hoạt động sản xuất mía đường từ Lào đáng lẽ phải hỗ trợ giá cổ phiếu. Tuy nhiên cùng với thông tin này là những báo cáo về vấn đề môi trường của tổ chức nước ngoài.

Tệ hơn là lời kêu gọi các cổ đông nước ngoài của HAG gây sức ép về vấn đề này. Ngay sau khi những thông tin đó được đưa ra, HAG đã sụp đổ từ mức trên 23.000 đồng xuống 21.000 đồng, tương đương mất khoảng 10% giá trị chỉ trong 20 phiên vừa qua.

Điều rất đặc biệt là trong thời điểm tin xấu xuất hiện, HAG giảm giá cực mạnh nhưng đối tượng bán chính lại là nhà đầu tư trong nước. Cụ thể các phiên sụt giảm ngày 12-14/11 vừa qua, khối ngoại bán ra rất ít HAG trong phiên.

Tuy nhiên từ đầu tháng 12 trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rút khỏi HAG với cường độ mạnh chưa từng thấy. Ngay cả khi báo cáo môi trường lần đầu được tung ra hồi cuối tháng 6, HAG cũng không bị khối ngoại xả mạnh như vậy. Chỉ riêng 4 phiên đầu tháng 12 này, khối lượng bán ròng với HAG đã lên tới gần 6,9 triệu cổ. Cả trăm tỷ đồng giá trị đầu tư đã được rút ra là một biến động lớn trong cơ cấu cổ đông của HAG. Thị trường vẫn chứng kiến một nguồn lực mua vào mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước quanh mức giá 21.000 đồng nhưng không biết đến lúc nào khối ngoại mới ngừng cơn xả hàng này.

Do đó, khối lượng bán ra chỉ hơn 70.000 cổ phiếu hôm nay rõ ràng là một thông tin rất tốt đối với HAG. Giá trị bán ròng chưa tới 1,4 tỷ đồng không phải là giao dịch đáng chú ý, thậm chí có khi chỉ là lượng bán của những nhà đầu tư nước ngoài cá nhân.

Sức ép của khối lượng bán ra rất nhẹ nhưng đầu phiên HAG vẫn sụt giảm xuống 20.800 đồng, mất 0,5% so với tham chiếu. Người mua có lẽ chủ yếu lo ngại khối lượng xả vẫn tiếp diễn mạnh hàng triệu cổ phiếu như vài phiên trước là chính. Nhưng sức ép đã không xuất hiện như tâm lý sẵn sàng chờ đợi. Chính vậy HAG chiều nay có cơ hội tăng giá, dù là rất thận trọng.

Đóng cửa trên tham chiếu 0,48%, hôm nay là phiên tăng giá duy nhất trong tuần này của HAG. Khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh, chỉ đạt 869.360 cổ phiếu trong khi bình quân 4 phiên trước giao dịch trên 2,8 triệu cổ mỗi ngày. Khối lượng giao dịch thấp lại không phải là điều xấu đối với HAG hôm nay, vì nó gắn liền với việc dừng xả của khối ngoại.

Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài dừng xả HAG, cổ phiếu này có cơ hội tốt để phục hồi. Câu chuyện mía đường lại đem lại vị ngọt, vì chỉ riêng thông tin được tạm nhập tái xuất đường của BHS cũng đã giúp cổ phiếu này có 3 phiên kịch trần đột biến từ ngày 27-29/11 vừa qua. HAG dĩ nhiên được hưởng lợi còn lớn hơn BHS. Câu chuyện mía đường hai tuần nay bị che khuất bởi hoạt động bán ra liên tục của nhà đầu tư nước ngoài, tới đây sẽ có cơ hội được quan tâm trở lại.

Chờ đảo danh mục, xuống tiền thận trọng

Phiên giao dịch hôm nay không sôi động, nhất là trong nhóm blue-chips. Theo thông lệ thì kết thúc phiên giao dịch hôm nay quỹ FTSE mới công bố việc đảo danh mục. Tuy đã có khá nhiều dự đoán về việc cơ cấu danh mục sẽ không có thay đổi lớn, nhưng dường như nhà đầu tư vẫn hạn chế giao dịch.

HSX cả phiên hôm nay chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng giá trị, giảm 22% so với hôm qua và mức giao dịch thấp nhất trong 4 phiên. Cặp đôi REE, PPC là hai mã có giá trị khớp lệnh cao nhất và giá tăng tương ứng 1,34% và 3,77%. Các cổ phiếu lớn còn lại tụt khá xa trong thứ bậc thanh khoản, nhường chỗ cho FLC, DXG, ITA, VHG…

Top 5 giao dịch NĐTNN
Chứng khoán 6.12: Khối ngoại ngừng xả, HAG lại sáng cửa hồi?
KL mua ròng

Ngoài REE và PPC, chỉ có GMD, CSM, VCB, HSG tăng giá đáng kể nhưng thanh khoản không lớn. HPG, KDC, MSN, OGC, PET, PGD, PVT, VNM giảm giá với thanh khoản cũng sụt giảm. Đặc biệt PVT mặc dù được dự đoán sẽ vào rổ FTSE và có một phiên đột biến ngày 3/12, nhưng cũng được giao dịch thận trọng suốt 3 phiên gần đây. Hôm nay PVT còn giảm 0,8% với thanh khoản khá kém.

VN-Index chốt phiên biến động rất thấp, chỉ tăng 0,02% so với tham chiếu. Điều này phản ánh sự cân bằng giữa các cổ phiếu.

Sàn Hà Nội HNX-Index cũng chỉ tăng rất nhẹ 0,03%. Nếu điều chỉnh mức cổ phiếu lưu hành theo chỉ số HNXFF thì còn giảm 0,03%. Chỉ số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn của sàn cũng giảm 0,01%. Tổng thể sàn này cũng giao dịch cân bằng và không có biến động lớn.

Trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, tiếp tục chứng kiến KMR giảm sàn và mất thanh khoản sang phiên thứ 2 liên tục. VNH lại kịch trần thêm một phiên nữa nhưng khối lượng bán ra đã tăng lên khiến thanh khoản tổng thể tăng gần gấp đôi hôm qua. PTL, VHG chấm dứt được chuỗi phiên giảm sàn liên tục nhờ lực cầu bắt đáy, giá đã chững lại tham chiếu.

Mặc dù vậy khá nhiều mã vẫn giảm mạnh như DCT, TNT, LGL, VNA, DXV, DRH, SHI, DRH, MTG, UDC, ICF, MCG, ITC, LUT, CTM, HPC, ORS, VIG, IDJ, PXA, PFL…

Phiên cuối tuần không nhiều biến động lớn ở cả hai sàn và các chỉ số tăng giảm khác nhau chủ yếu do tác động của vốn hóa. Giao dịch khá chậm và thanh khoản giảm phản ánh sự thận trọng nhất định. Xu hướng chốt lời vẫn diễn ra ở các cổ phiếu nóng, đồng thời các blue-chips duy trì được mặt bằng giá ổn định.

HSX

HNX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

1007,7 tỷ đồng (-22%)

75,6 triệu đơn vị (-25%)

248,5 tỷ đồng (-22%)

32,3 triệu đơn vị (-24%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

REE (52,8) – (5,2%)

SCR (28,9) – (11,6%)

PPC (51,9) – (5,1%)

KLS (18) – (7,2%)

CSM (41,4) – (4,1%)

VCG (16,3) – (6,5%)

FLC (33) – (3,3%)

FIT (15,3) – (6,2%)

PVT (30,9) – (3,1%)

KLF (12,3) – (5%)

Khánh Nhi