Chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ có gam màu tươi sáng hơn

Thị trường chứng khoán trong nước diễn biến khởi sắc trong năm mới Giáp Thìn. Ảnh: Duy Dũng.

Chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ có gam màu tươi sáng hơn
Bà Vũ Thị Chân Phương

PV: Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã trải qua một năm 2023 với nhiều biến động, nhưng đã phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm. Diễn biến tích cực đó hiện đang được duy trì từ đầu năm 2024 đến nay. Bà có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của thị trường?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Tài chính, cùng sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành, cũng như sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư… TTCK năm 2023 vẫn hoạt động ổn định, an toàn.

Tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư

“Năm 2024, kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ có thêm các bước chuyển tích cực, mạnh mẽ, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới” - bà Vũ Thị Chân Phương.

TTCK tiếp tục thể hiện vai trò là “hàn thử biểu” và là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, thu hút sự tham gia tích cực của nhà đầu tư trong, ngoài nước. TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, trật tự kỷ cương, kỷ luật của thị trường được giữ vững, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, góp phần làm cho TTCK ngày càng minh bạch, lành mạnh, hoạt động hiệu quả.

Những kết quả của thị trường trong năm 2023 và sự chuyển biến tích cực của tăng trưởng kinh tế vĩ mô, cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện đã làm tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường trong giai đoạn đầu năm 2024. Chỉ số VN-Index đã chính thức vượt mốc 1.200 điểm trong phiên khai Xuân Giáp Thìn và đóng cửa ở mức 1.209,7 điểm. Sự khởi đầu tích cực trong giai đoạn đầu năm tạo kỳ vọng cho TTCK Việt Nam sẽ có một năm 2024 khởi sắc hơn, khi các yếu tố nền tảng như kinh tế vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện tích cực hơn.

PV: TTCK năm 2024 dự báo sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực hơn, tuy nhiên năm nay vẫn còn có những yếu tố thách thức, nhất là việc kinh tế vĩ mô, địa chính trị thế giới còn nhiều bất định. Vậy đâu là các yếu tố mang tính cơ hội và thách thức cho TTCK Việt Nam năm nay, thưa bà?

Bà Vũ Thị Chân Phương: TTCK luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Diễn biến của TTCK là phản ánh tổng hòa của các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, sức khỏe của doanh nghiệp… qua lăng kính, niềm tin và sự kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường.

Chính vì vậy, diễn biến TTCK trong thời gian tới tiếp tục phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Năm 2024, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở một số quốc gia, khu vực, nền kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính quốc tế được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Lạm phát toàn cầu tuy đã được kiểm soát nhưng lạm phát cơ bản được dự báo sẽ vẫn ở mức cao, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế.

Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, TTCK trong nước năm 2024 được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn so với năm 2023 nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chủ động, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì trong nhiều ngành và lĩnh vực, từ đó, tạo điều kiện tốt hơn cho sức khỏe doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi. Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, duy trì tốc độ hồi phục nhanh, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương… những yếu tố tích cực nêu trên kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện nền tảng cho TTCK Việt Nam duy trì sự ổn định, thanh khoản tốt, tăng trưởng song hành cả quy mô và chất lượng.

PV: Bà có thể cho biết các giải pháp quan trọng để hỗ trợ TTCK Việt Nam phát triển ổn định, an toàn, thanh khoản, chất lượng hơn trong năm nay?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Năm 2024 này, trên tinh thần “Đoàn kết - Chủ động - Đổi mới - Quyết liệt - Hiệu quả”, bám sát thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, Bộ Tài chính, chúng tôi tin tưởng với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của nhiều bên… TTCK Việt Nam sẽ có thêm các bước chuyển tích cực, mạnh mẽ, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Như đã chia sẻ ở trên, năm 2024 sẽ có nhiều yếu tố cơ hội và thách thức đan xen đối với TTCK Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để phát triển TTCK an toàn, bền vững, là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, cụ thể.

Trước mắt, được sự chấp thuận của lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN đang khẩn trương chuẩn bị hội nghị phát triển TTCK năm 2024. Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, sự tham gia và chia sẻ ý kiến của đại diện các bộ, ngành, các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp niêm yết, các thành viên thị trường.

Đối với các giải pháp thường xuyên của năm 2024, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 hiệu quả.

Đồng thời, UBCKNN sẽ tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các định chế thị trường và nhà đầu tư tham gia.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tái cấu trúc TTCK dựa trên các trụ cột chính đã đề ra. Trong đó, chú trọng, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán và người hành nghề chứng khoán; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch, xử lý kịp thời, nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.

Ngoài ra, như đã chia sẻ, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức xếp hạng để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng.

PV: Xin cảm ơn bà!