Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số - DTI 2020 Hội thảo trực tuyến giải bài toán về chuyển đổi số quản trị tài chính, kế toán, thuế trong doanh nghiệp Chuyển đổi số ngành Tài chính: Giảm chi phí, thời gian và tăng tính minh bạch

Chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, cho biết trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Tài chính đã và đang chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, chính sách linh hoạt trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tích cực, khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

“Dưới tác động của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nỗ lực tìm cách thay đổi để thích nghi và phát triển, trong đó nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Với mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác” - ông Phong nói.

PGS. TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi căn bản cách con người sống, cách làm việc, tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp quản trị tài chính, kế toán, thuế tốt hơn
Hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về kế toán, kiểm toán, thuế.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động tài chính. Làm thay đổi phương thức phân phối, phương thức tiếp cận vốn, tiếp cận sản phẩm, tiếp cận dịch vụ tài chính; thay đổi phương thức giao dịch, tương tác, thương mại điện tử…

“Nếu như trước đây, người nộp thuế phải đến cơ quan thuế làm thủ tục khai và nộp thuế, thì nay ngồi ở nhà cũng có thể nộp thuế được. Chuyển đổi số cũng giúp ngành Thuế thay đổi phương thức nộp thuế, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (giao dịch qua mạng, ví điện tử, quét mã…)” - ông Thanh nói.

Đề cập đến việc chuyển đổi số lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong ngành Thuế hiện nay đã giúp gắn kết giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế với quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

Cơ quan thuế không còn là đầu mối xử lý dữ liệu quản lý thuế, thay vào đó là một hệ thống tương tác liền mạch và liên hoàn giữa các chủ thể tham gia vào các giao dịch kinh doanh với nhau, với cơ quan thuế và với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên nền tảng kỹ thuật số.

“Ứng dụng điện tử giúp thay đổi cách xác định nghĩa vụ thuế chuyển dần từ hệ thống tự khai, tự tính sang hệ thống xác định nghĩa vụ thuế gắn với thời gian thực phát sinh nghĩa vụ thuế. Người nộp thuế hiện nay là trung tâm của hệ thống quản lý thuế, có thể tự kiểm tra tính chính xác về nghĩa vụ thuế của mình mà hệ thống công nghệ đã tự tính” - ông Phụng nói.

Công nghệ giúp doanh nghiệp quản trị tài chính hiệu quả

Cũng tại hội thảo, ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính); Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam cho rằng, để đạt chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), trước mắt các doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đáp ứng số liệu giao dịch ngày một lớn; ứng dụng công nghệ Blockchain để phân tích, xử lý dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn về bảo mật.

“Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp cần cập nhật dữ liệu thường xuyên, lưu trữ các dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu tài chính và phi tài chính; tích hợp phần mềm kế toán với hệ thống quản trị trong hệ thống công nghệ thông tin chung; xây dựng phần mềm kế toán… Đồng thời, các quy định mang tính trói buộc, hạn chế quá trình chuyển đổi số cần được xem xét để điều chỉnh hoặc dỡ bỏ” - ông Vinh nói.

Bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA, cho biết trong bối cảnh hiện nay, làm việc trực tuyến là nhu cầu tất yếu để hạn chế sự gián đoạn nếu dịch bùng phát, giãn cách xã hội. Khi đó, người làm kế toán doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do phần mềm, chứng từ để ở công ty; mất thời gian nhập chứng từ, kê khai thuế, bảo hiểm xã hội, đối chiếu với ngân hàng…

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp quản trị tài chính, kế toán, thuế tốt hơn
Bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA, phát biểu tại hội thảo.

Trước thực tế đó, MISA đã nghiên cứu, phát triển 2 giải pháp: phần mềm online AMIS Kế toán đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ tài chính - kế toán cho mọi doanh nghiệp và nền tảng Kế toán dịch vụ MISA ASP phục vụ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có nhu cầu tìm kiếm, kết nối và sử dụng dịch vụ kế toán, thuế từ các cá nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ này. Cả hai ứng dụng đều hướng tới giải quyết bài toán xử lý dữ liệu tài chính - kế toán cho doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi và tiết kiệm thời gian tối đa cho người dùng.

Thông tin thêm về phần mềm online AMIS Kế toán, bà Thúy cho biết: “AMIS Kế toán là được tích hợp nhiều tính năng thông minh để giảm tối đa thời gian thao tác nhập liệu thủ công cho người làm kế toán, giúp họ có thời gian để tập trung vào các công việc có giá trị cao hơn như phân tích, dự báo, tư vấn cho chủ doanh nghiệp”.

Cụ thể, phần mềm có thể xử lý tự động các hóa đơn đầu vào, liên kết chặt chẽ với các hệ thống khác như nhân sự, marketing, bán hàng… để có thể ghi nhận dữ liệu doanh thu, chi phí một cách hoàn toàn tự động.

Đồng thời, AMIS Kế toán đã được kết nối với cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng… để người dùng chỉ cần thao tác trên một phần mềm, thay vì phải giao dịch trên nhiều hệ thống khác nhau làm mất thời gian và dễ sai sót.

Bà Thúy cho biết, AMIS Kế toán sẽ giúp chủ doanh nghiệp có thể xem được các báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp một cách tức thời mà không phải chờ đợi báo cáo như trước.

Nhờ đó mà có thể nắm bắt được “sức khỏe” doanh nghiệp và ra các quyết định điều hành nhanh chóng, chính xác hơn, tận dụng được bối cảnh bình thường mới để phục hồi tình hình kinh doanh, tái sinh doanh nghiệp.

Đại diện MISA cam kết sẽ tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, cập nhật kịp thời, đầy đủ, hỗ trợ khách hàng bằng nhiều kênh, hình thức khác nhau./.

Ưu việt của AMIS kế toán do MISA phát triển

- Thông qua Open API (giao tiếp lập trình ứng dụng mở) có thể kết nối chặt chẽ với hệ thống quản trị khác trong doanh nghiệp như: bán hàng, quản lý nhân sự, hóa đơn điện tử, chữ ký số… để mọi giao dịch đều được ghi nhận dữ liệu tự động trên phần mềm kế toán, giảm bước nhập liệu cho người làm kế toán

- Tự động tổng hợp số liệu để lập tờ khai thuế, báo cáo tài chính và phát hiện sai lệch, cảnh báo cho người làm kế toán - tài chính

- Cảnh báo thông minh về tình trạng công nợ, tồn kho: nhắc nhở hạn kê khai, quyết toán và nộp thuế GTGT, TNDN; nhắc nhở hóa đơn cần thanh toán, công nợ đến hạn; nhắc nhở thực hiện các bút toán cuối kỳ; khấu hao tài sản cố định…

- Kết nối với nhiều ngân hàng để chuyển tiền trực tuyến ngay trên phần mềm, tra cứu số dư, lịch sử giao dịch của từng tài khoản, tự động đối chiếu số tiền gửi với số phụ ngân hàng…

- Kết nối với cơ quan thuế: kế toán nộp tờ khai thuế, nộp thuế điện tử trực tiếp trên phần mềm kế toán; theo dõi được trạng thái của tờ khai thuế, giấy nộp tiền thuế.