Sức hút từ chuyển đổi số

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các hoạt động “Chuyển đổi số ngành ngân hàng” diễn ra gần đây nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia. Việc này cũng góp phần lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành ngân hàng là ngày 11/5 và ra mắt Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng. Các ngân hàng đã trình demo công nghệ (mở tài khoản, phát hành thẻ eKYC trên cơ sở kết nối M.O.C với CCCD gắn chíp hoặc kết nối, sử dụng tài khoản định danh xác thực điện tử…) với sự tham gia của các đơn vị tiêu biểu. Ngoài ra, các ngân hàng cũng giới thiệu các công nghệ, dịch vụ tiêu biểu, như: Dịch vụ ngân hàng trực tuyến; máy giao dịch ngân hàng tự động, chi nhánh ngân hàng 4.0, các dịch vụ thanh toán hiện đại như thanh toán QR code, Tap to pay, Livebank, thanh toán phi tiếp xúc...

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được đề cập như là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia xác định ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Để triển khai thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...

Còn không ít gian nan

Thực chất ngay cả trước khi diễn ra các sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng”, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đã diễn ra khá sôi động, thúc đẩy các dịch vụ mới, đặc biệt góp phần làm tăng tốc dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).

Chuyển đổi số là trụ cột của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Tại Việt Nam, chuyển đổi số được đề cập như là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao.

Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 68%; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở... Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Mặc dù vậy, những kết quả trên mới chỉ là những thành công ban đầu và những yêu cầu mới đặt ra cũng còn không ít gian nan để đạt được những mục tiêu cao hơn. Trong đó, chuyển đổi khung pháp lý là một trong những nội dung đặt ra song hành với hoạt động chuyển đổi số. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với các bộ, ngành khác và chủ động rà soát thường xuyên khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên quan tâm đến việc nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn bất cập, kết nối, khai thác dữ liệu dân cư còn ở phạm vi hẹp; sự tham gia phối hợp các doanh nghiệp công nghệ tài chính còn hạn chế; tội phạm công nghệ cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; các nguồn lực, nhất là nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số còn thiếu hụt, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng ngành ngân hàng cần xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, theo đó một số yêu cầu đặt ra như thúc đẩy thay đổi tư duy, phương pháp luận, phương thức làm việc của ngành ngân hàng theo hướng hiện đại; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, phát triển xã hội số, kinh tế số, tiết giảm chi phí, bảo đảm an toàn, đổi mới, phát triển; đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số.