Phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động Tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo |
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chính sách về người có công là một trong những chính sách xã hội nổi trội, thực hiện tốt nhất hiện nay. Các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo hướng đảm bảo an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện có hiệu quả.
Tỷ lệ giảm nghèo đạt chuẩn 1%, hiện nay chỉ còn 1,93% là cố gắng lớn trong điều kiện thiên tai, lũ, bão liên tiếp xảy ra. Lần đầu tiên đạt chỉ tiêu về năng suất lao động 5,56% so với yêu cầu đề ra, điều đáng mừng là chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ thêm, cuối tháng 10/2024, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được các nước G7 mời trực tiếp đến báo cáo điển hình về việc thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay...
Phản hồi các ý kiến đề nghị có chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, bên cạnh việc chú trọng đào tạo nhân lực đại trà thì phải chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến cuối năm 2025 phải nằm trong top 3 các nước dẫn đầu ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung vào hai đề án lớn về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án về phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.
Các đại biểu tham dự phiên họp. |
Liên quan đến "câu chuyện" thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam trong ngưỡng cho phép, riêng đối với thanh niên, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay chiếm 7,92% và đây là con số chấp nhận được".
So sánh có thể thấy, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở các nước trong khu vực có xu hướng gia tăng. Trong đó, khu vực Đông Nam Á là 9,5%. Nguyên nhân, do kinh tế thế giới tăng chậm lại và các yếu tố bất ổn khiến sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, thất nghiệp, thiếu việc trong thanh niên là vấn đề rất đáng quan tâm. Ở khía cạnh nào đó, với tiêu chí thất nghiệp hiện nay, trong một số trường hợp chưa hoàn toàn là thất nghiệp mà đúng hơn là “thiếu việc làm”.
Nguyên nhân do nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí. Do đó, lao động trẻ khó khăn trong thích ứng, rơi vào tinh giản.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng dẫn đến công việc thay thế bởi máy móc, dẫn đến thiếu việc làm trong thanh niên. Một bộ phận lao động trẻ ưu tiên tìm việc ổn định, lâu dài nên từ chối "nhảy" việc ngắn hạn, thu nhập tốt hơn dẫn đến thất nghiệp tạm thời.
Đề cập đến giải pháp của bất cập nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đến việc tập trung đào tạo, phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, có chính sách ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ do thanh niên điều hành, khởi nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên./.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh các giải pháp nêu trên, thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp như: hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý, ưu đãi thuế suất… |