Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Khánh Linh - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư TechProfit Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã trải qua gần hết năm 2023 với nhiều biến động. Ông có thể đánh giá khái quát về diễn biến của TTCK Việt Nam trong những tháng qua?
Ông Phan Khánh Linh: Thị trường chứng khoán từ đầu năm tới nay chia ra làm hai giai đoạn, sau đợt giảm mạnh cuối năm 2022 thì đầu năm 2023 là giai đoạn thị trường phục hồi, dòng tiền lớn, quỹ ngoại cũng đã quay lại thị trường, giúp thị trường tăng từ 880 điểm lên mốc 1250 điểm. Theo tôi, đây là sóng phục hồi, trong sóng phục hồi này, tất cả các ngành đều có sự tăng trưởng, không có sự phân hóa kể cả cổ phiếu chất lượng kém, đầu cơ cao cũng tăng giá rất mạnh.
Theo một số bên nhận định, nếu được nâng hạng thì trong vòng 1 năm đầu thu hút 1 tỷ USD, 3 năm tiếp theo 3-5 tỷ USD, việc thu hút vốn ngoại một phần nào đó giúp nâng định giá của thị trường
|
Sau giai đoạn phục hồi thị trường đã có nhịp điều chỉnh, sóng phục hồi mạnh, nhiều cổ phiếu tăng 50-60% bắt đầu có nhịp điều chỉnh để tái cân bằng trở lại, những cổ phiếu nào vượt quá kỳ vọng sự phục hồi sẽ giảm trở lại, đa phần các cổ phiếu đều có nhịp điều chỉnh.
Sau nhịp tái cân bằng trở lại thị trường sẽ có sự phân hóa nhất định, cổ phiếu nào còn tiềm năng tăng trưởng, sang đầu năm 2024 sẽ thu hút dòng tiền. Dòng tiền sẽ có sự chọn lọc, chứ không ồ ạt như giai đoạn trước, cổ phiếu nào không có tiềm năng duy trì lợi nhuận sẽ giữ ở mức thấp.
PV: Ông đánh giá như thế nào về dòng tiền trên thị trường hiện nay? Liệu thị trường chứng khoán thu hút được dòng tiền trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay?
Ông Phan Khánh Linh: Nói về thị trường chứng khoán, dòng tiền của thị trường, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn luôn sẵn lòng tham gia khi thị tường chiết khấu đủ hấp dẫn, chứ không đứng ngoài thị trường. Ví dụ như năm ngoái có 2 nhịp giảm từ tháng 4 đến tháng 6, sau đó tiếp tục nhịp giảm từ tháng 7 đến tháng 11.
Đến tháng 11 thì dòng tiền nước ngoài đã quay lại và sau đó thị trường phục hồi và niềm tin của nhà đầu tư cá nhân cũng quay trở lại nhiều hơn. Tôi cho rằng thị trường phục hồi nhờ niềm tin của nhà đầu tư đã quay lại, tuy nhiên không thể giống như giai đoạn năm 2020 - 2021.
Cơ hội thu hút vốn, nâng định giá khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Ảnh: T.L |
Bên cạnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế nói chung, hỗ trợ thị trường tài chính nói riêng cũng góp phần giúp dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp đã qua giai đoạn xấu nhất là giai đoạn cuối năm ngoái, mặc dù có thể còn đối mặt với những thách thức phía trước. Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng vào sự phục hồi của các doanh nghiệp với kết quả kinh doanh vượt trội trong thời gian tới.
PV: Những động thái tích cực từ phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy, tháo gỡ những điểm vướng trong việc nâng hạng thị trường. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Phan Khánh Linh: Theo dự kiến, rất nhiều tổ chức đánh giá uy tín, để được nâng hạng theo tiêu chuẩn MSCI và FTSE Russell sẽ vào khoảng năm 2025. Chúng ta thấy một số tiêu chí quan trọng để có thể nâng hạng, chúng ta phấn đấu để có một hệ thống giao dịch có thể giúp thị trường giao dịch nhanh chóng hơn, giao dịch T+0.
Trước mắt, cuối năm nay triển khai KRX, việc các công ty cũng đã có bước chuẩn bị chạy đà trong thời gian qua, UBCKNN cũng có những động thái rõ ràng việc cuối năm có thể “go - live” KRX, đó là một phần quan trọng để có thể rút ngắn quãng đường nâng hạng thị trường.
Thứ hai, có một trung tâm thanh toán bù trừ, đây là cái khó vì cần có một trung tâm thanh toán bù trừ đủ lớn để đứng ra làm đơn vị trung gian, để mua cân toàn bộ lệnh bán của nhà đầu tư và xử lý lỗi giao dịch, điều này cần có nhiều thời gian.
Tuy nhiên, UBCKNN cũng đã họp với ngân hàng lớn ở trong nước, cũng như ngân hàng nước ngoài để tham vấn về vấn đề này, đây cũng là động thái khẩn trương của UBCKNN. Ngoài ra, các tiêu chí khác như giới hạn sở hữu nước ngoài; “room" khối ngoại còn lại; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; cho vay chứng khoán; bán khống… cũng đang được quan tâm và tháo gỡ.
PV: Việc được nâng hạng sẽ tạo ra thách thức và cơ hội như thế nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa ông?
Ông Phan Khánh Linh: Việc TTCK Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số (ETF). Thu hút vốn sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp niêm yết để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.
Theo một số bên nhận định, nếu được nâng hạng, trong vòng 1 năm đầu thu hút 1 tỷ USD, 3 năm tiếp theo 3-5 tỷ USD, việc thu hút vốn ngoại một phần nào đó giúp nâng định giá của thị trường.
Với nhà đầu tư cá nhân, quan sát các thị trường từ cận biên lên mới nổi, có 1 thống kê cho thấy, những con sóng to nhất của thị trường thường trước 2 năm được nâng hạng, dòng vốn kỳ vọng đổ vào rất nhiều, nhiều thị trường tăng 40-50%, nhưng khi được nâng hạng thị trường lại điều chỉnh, khi còn kỳ vọng thị trường tăng mạnh nhưng hết kỳ vọng thị trường lại giảm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi. Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market). |